Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Nhiệt điện than vấn đề trao đổi (kỳ 2)

  |   Viết bởi : Thủ tướng Chính phủ (2011)    Quyết định số 1208/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch điện VII.

Nhiệt điện than Việt Nam, hiểm họa được cảnh báo Giới chuyên môn về công nghệ, môi trường và các nhà quản lý ở nước ta đều nhận thấy tác động ...

Nhiệt điện than Việt Nam, hiểm họa được cảnh báo

Giới chuyên môn về công nghệ, môi trường và các nhà quản lý ở nước ta đều nhận thấy tác động bất lợi của nhiệt điện than đến môi trường sống. Tuy nhiên tính toán kinh tế lại cho thấy, chi phí nhiệt điện than chỉ băng 79,8% nhiệt điện khí; thấp thua 4,96 lần nhiệt điện dầu; càng rẻ hơn so với điện gió, điện mặt trời và điện hạt nhân… Giám đốc Trung tâm Năng lượng thuộc Viện Năng lượng, Bộ Công Thương nhận định; cùng với các nguồn khai thác điện như dầu khí, thủy điện; điện gió thì nhiệt điện than đang là một lựa chọn tối ưu bởi công nghệ đơn giản và rẻ hơn nhiều so với dầu hoặc khí đốt. Quy hoạch điện VII đã hướng vào xây dựng những nhà máy nhiệt điện lớn dùng than tại đồng bằng sông Cửu Long và Duyên Hải Nam Trung Bộ. Với nhịp độ khẩn trương xây dựng; đến nay, nhiều nhà máy đã đi vào vân hành và mục tiêu đạt sản lượng nhiệt điện than chiếm 46,8% năm 2020 và 56,4% vào năm 2030 dễ trở thành hiện thực.

Theo các nhà phân tích, nếu điều này xảy ra lại là vấn đề đáng lo ngại, bởi vì “…trong khi thế giới đang chuyển từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, Việt Nam lại đang có những bước đi trái chiều”. Tại Hội thảo quốc tế "Than và nhiệt điện than: Những điều chưa biết"do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức gần đây ở Hà Nội, các nhà nghiên cứu đã gợi ra nhiều nội dung đáng để quan tâm.
Giáo sư Lauri Myllivirta ở Đại học Harvard cho biết; đến năm 2010, toàn thế giới đã có 3,2 triệu người chết liên quan đến nhiệt điện than; trong đó, Việt Nam có 31.000 người và dự báo, khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030. Nếu không cắt giảm được, lượng khí thải dự báo này có thể dẫn tới cái chết của hơn 25.000 người mỗi năm. (Lauri Myllivirta 2015)

Phân tích giới hạn phát thải đối với nhà máy nhiệt điên than mới xây dựng ở Việt Nam so với Trung Quốc và Ấn Độ; L.Myllivirta cũng đã chỉ ra, do công nghệ lạc hậu, hàm lượng khí thải độc hại của nhiệt điện than Việt Nam cao gấp 1,75 lần Trung Quốc, 3,5 lần Ấn Độ về khí SO2; tương tự cao gấp 4,5 lần cả Trung Quốc và Ấn Độ về  lượng khí NOx. Đây chính là một hiểm họa lâu dài đối với sức khỏe cộng đồng dân cư.

Giám đốc Green ID Ngụy Thị Khanh, cảnh báo; việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường, đời sống người dân; tác động đến hệ sinh thái, sản xuất nông nghiệp, các công trình xây dựng và sức khỏe cộng đồng. Số liệu công bố cho thấy, ngoài khí thải độc hại, năm 2020 các nhà máy nhiệt điện than còn thải ra lượng tro xỉ khoảng 14,8 triệu tấn và lên đến 29,1 triệu tấn/năm từ 2030 sẽ là vấn nạn môi trường khổng lồ (Ngụy Thị Khanh 2015). Sự việc xảy ra tại nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2( Bình Thuận) đã gây ồn ào dư luận do việc phát tán bụi tro từ bãi chứa xỉ; song sự việc lâu dài và nghiêm trọng hơn cần phải tính đến, đó là giải pháp quản lý môi trường toàn diện và triệt để tại các bãi chứa tro xỉ của nhiệt điện than.

Cùng với than xỉ, khai thác và vận hành nhiệt điện than cũng ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng nguồn nước; gây ô nhiễm môi trường và làm khó khăn thêm đời sống người dân. Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) Đặng Ngọc Vinh cho biết; tại khu vực nhiệt điện than Quảng Ninh; nguồn nước bị ô nhiễm do nhiệt điện và khai thác than đã ảnh hưởng đến đời sống của 75% số dân được hỏi. Đáng chú ý là, tại các dòng suối, kênh, mương gần với khu vực khai thác và chế biến; nước đã chuyển màu đen sánh, có váng và mùi hôi với hàm lượng chất lơ lửng trong nước lớn; khó tiêu hủy được tạp chất vô cơ, hữu cơ gây ô nhiễm kim loại, làm biến đổi hoặc hủy diệt nhiều loài thủy sinh (Đặng Ngọc Vinh 2015).

Trong thành phần khí thải từ nhà máy nhiệt điện than, ngoài khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, có những loại khí gây mưa axit như SO2 và NO2. Đánh giá hiện trạng này, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết, mưa axit chiếm từ 30% đến50% số lần mưa. Nơi có tần suất mưa axit cao là Việt Trì; tiếp đó là các khu vực công nghiệp lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh... Mưa axit tác động tiêu cực đến môi trường đất và nước; rửa trôi các chất dinh dưỡng và mang kim loại nặng xuống các nguồn nước mặt: sông, suối, ao, hồ... (Trần Minh 2015).

Người dân sinh sống tại các khu vực ô nhiễm nhiệt điện than mang rủi ro tử vong cao, thậm chí gấp 50 lần so với khu vực khác. Khai thác và đốt than làm tăng mối nguy hại cho cuộc sống hàng ngày; tại những nơi khai thác và dùng than quá mức đã dẫn đến không còn sự sống. Điều đáng quan ngại là chi phí cho nhiệt điện than hiện nay chưa tính đến cái giá phải trả cho những tác động về môi trường và sức khỏe người dân trong những vùng bị ảnh hưởng.
Lauri Myllyvirta nhận xét, nhu cầu nước phục vụ nhiệt điện than đã vượt quá khả năng cung cấp. Trong khi nước là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người thì nhiệt điện than đang là “quái vật uống hết nước của nhân loại”. Nhà máy nhiệt điện than là nơi tiêu thụ nước lớn; với hệ thống làm mát một lần, lĩnh vực công nghiệp này tiêu tốn một lượng nước khổng lồ và hủy hoại nhiều loài thủy sinh. Thống kê từ Mỹ cho thấy, hàng năm hoạt động hút nước cho các nhà máy nhiệt điện than đã giết chết 2 tỷ sinh vật bao gồm các loài tôm, cua, cá cùng với 528 tỷ trứng cá và ấu trùng.
Sau một số năm thực hiện Quy hoạch điện VII, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lựa chọn phát triển nhiệt điện than đang mâu thuẫn với chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Trên thực tế, các nhà máy nhiệt điện than đang lộ rõ nguy cơ ô nhiễm môi trường từ khí thải, tro xỉ và nước thải. Nhiều nhà khoa học từng chỉ ra, tại nhiều khu vực có nhà máy nhiệt điện than hoạt động thường có mưa axit, khói mù và ô nhiễm kim loại nặng trong chuỗi thức ăn; có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, đất nông nghiệp; suy giảm nguồn lợi thủy sản; đặc biệt là giảm năng suất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản (Tâm Bình 2015).

Thay cho lời kết
Nếu quy hoạch nhằm vạch ra một lộ trình phát triển, thì điều chỉnh quy hoạch bám sát với thực tiễn, hạn chế đến mức thấp nhất những xung đột có thể xảy ra là điều cần thiết trong quá trình thực thi. Trong khi thế giới chuyển mạnh từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo do những hiểm họa môi trường và tác hại đến sức khỏe con người, xu hướng phát triển nhiệt điện than ở nước ta đang thể hiện những bước đi trái chiều. Giới phân tích cho rằng,“Điều chỉnh lại Quy hoạch điện 7 là một yêu cầu chính đáng, nhằm tìm giải pháp tăng nguồn điện gió,mặt trời… đồng thời với hạn chế tối đa tác hại khủng khiếp có thể xảy ra từ nhiệt điện than. Không thể vì sự dễ dàng trước mắt của nhiệt điện than mà bỏ qua sự an toàn đối với cuộc sống con người”.
Hy vọng từ những nhìn nhận khách qua của các nhà nghiên cứu và cộng đồng xã hội, các nhà hoạch định chính sách sẽ có những bước điều chỉnh thích hợp./.
Tài liệu tham khảo
Thủ tướng Chính phủ (2011)    Quyết định số 1208/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch điện VII. 
 Hà Nội ngày 21tháng 7 năm 2011.
NASATI (2015).     Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Tổng luận Khoa học Công nghệ và Kinh tế số 5 tháng 5