Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Nỗi lo điện than

  |   Viết bởi : Theo The SaigonTimes

8:30 AM

(TBKTSG) - Ngày 3-10, TBKTSG Online đưa tin một hội thảo về điện than diễn ra ở Cần Thơ, cung cấp số liệu dự báo dựa trên Quy hoạch điện 7, rằng lượng tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2018 là khoảng 61 triệu tấn; năm 2020 là 109 triệu tấn, năm 2025 tăng lên 248 triệu tấn và năm 2030 sẽ lên tới 422 triệu tấn.

Quan sát thực trạng và tìm hiểu thêm về quy hoạch điện than ở nước ta, nhiều người còn “giật mình” về nhiều vị trí đã được xác định hoặc đang trong tầm ngắm đặt các nhà máy điện than là ở những khu vực có mật độ dân cư cao, trong những vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt hơn, là thuận hướng gió chính từ biển Đông thổi vào đất liền.

Ngoài hai nhà máy Vĩnh Tân 1 và 2 ở Bình Thuận mà các phương tiện truyền thông đã nhiều lần đề cập, Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình với hai nhà máy của EVN và PVN đầu tư có tổng công suất tới 1.800 MW, đặt tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, chỉ cách thành phố Thái Bình khoảng 30 ki lô mét. Tại vị trí ven biển đó, coi như hai nhà máy điện than này đã chắn ngang đầu hướng gió Đông Nam, vốn được xem là hướng gió tốt nhất đối với tỉnh Thái Bình nói riêng và cả vùng đồng bằng sông Hồng nói chung.

Gần đây, dư luận cũng ồn ào chuyện Quy hoạch điện 7 có một trung tâm nhiệt điện than ở xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An (quy hoạch là từ năm 2024-2028). Đây là vị trí án ngữ hướng gió thổi vào địa bàn TPHCM và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặc dù ngành chủ quản và những người liên quan đến bản quy hoạch đã lên tiếng giải thích, trấn an, nhưng nhiều ý kiến chuyên gia môi trường đã cho thấy nỗi lo lắng của người dân là có cơ sở, bởi vị trí này rất gần TPHCM. Thành phố đầu tàu kinh tế này có nguy “lãnh đủ” lượng khí CO2 lẫn lượng bụi tro khổng lồ phát thải từ trung tâm nhiệt điện lớn này. Cách đây hơn 10 năm, dù tỉnh Đồng Nai rất muốn thu hút đầu tư nhưng cũng đã từ chối một dự án nhà máy điện than khổng lồ mà tập đoàn Hưng Nghiệp Formosa (Đài Loan) xin phép đầu tư xây dựng tại huyện Nhơn Trạch chỉ cách TPHCM khoảng 20 ki lô mét, cũng vì lo ngại dự án sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng tới “siêu đô thị” của cả nước.

Nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than đá có ưu điểm vốn đầu tư rẻ so với các nguồn năng lượng tái tạo, thời gian xây dựng nhanh, công nghệ không quá phức tạp, tuy nhiên, nguy cơ gây ô nhiễm nặng tới môi trường cũng rất rõ. Điều nguy hại là hậu quả của ô nhiễm môi trường đối với con người khó có thể đo đếm được bằng trực quan nhưng nguy hại tới sức khỏe con người, thể hiện qua tỷ lệ người mắc các bệnh ung thư, hô hấp, dị ứng...

Theo các chuyên gia, ngay cả những nhà máy điện than có công nghệ hiện đại bậc nhất thì cũng chỉ có thể làm giảm ô nhiễm từ 10-15% nên nhiều quốc gia, kể cả Trung Quốc, hoặc đã “nói không” hoặc từng bước giảm số lượng nhà máy điện than.

Với nguyên tắc đầu tư phát triển phải bảo đảm “cái được phải thắng cái mất”, lợi ích mang lại phải cao hơn so với những mặt hạn chế, thiệt hại, nhân dân mong muốn Chính phủ và ngành điện lực cần rà soát lại, điều chỉnh quy hoạch các nhà máy nhiệt điện than theo hướng giảm thiểu đến mức thấp nhất có thể nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Theo The SaigonTimes