Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Phát triển kinh tế chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường

  |   Viết bởi : Trích dẫn http://www.thiennhien.net/2015/06/24/phat-trien-kinh-te-chua-quan-tam-dung-muc-den-bao-ve-moi-truong/

ThienNhien.Net – Sáng nay (24.6), Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ công bố “Báo cáo Môi trường quốc gia 2014” chuyên đề về “Môi trường nông thôn”, nhằm ...

ThienNhien.Net – Sáng nay (24.6), Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ công bố “Báo cáo Môi trường quốc gia 2014” chuyên đề về “Môi trường nông thôn”, nhằm đánh giá tổng quan môi trường nông thôn của Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2014.

Lễ công bố “Báo cáo Môi trường quốc gia 2014” chuyên đề về “Môi trường nông thôn”. (Ảnh: Báo Lao động)

Lễ công bố “Báo cáo Môi trường quốc gia 2014” chuyên đề về “Môi trường nông thôn”. (Ảnh: Báo Lao động)

Báo cáo tập trung phân tích các vấn đề đặc trưng khu vực nông thôn, các lĩnh vực sản xuất chính và quá trình đổi mới nông thôn hiện nay; sức ép và hiện trạng môi trường nông thôn; tác động tiêu cực của sự suy giảm chất lượng ô nhiễm và ô nhiễm môi trường ở nông thôn đến sức khỏe người dân, phát triển kinh tế-xã hội, cảnh quan sinh thái.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đưa ra những kết quả đã đạt được, những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn cũng như kết quả triển khai tiêu chí môi trường thuộc chương trình nông thôn mới. Báo cáo nhận định một số vấn đề bức xúc về môi trường nông thôn và đề xuất các giải pháp về chính sách, pháp luật, kiện toàn bộ máy thực thi, huy động tài chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, áp dụng với từng vùng miền trong định hướng quản lý môi trường nông thôn.

Với khoảng 67% dân số cả nước, nông thôn Việt Nam đang chịu những sức ép từ chính các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân trong khu vực, đồng thời chịu tác động từ hoạt động và nguy cơ không nhỏ về ô nhiễm môi trường của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu vực đô thị lân cận.

Cụ thể, ô nhiễm môi trường cục bộ môi trường, không khí, nước mặt, nước dưới đất, môi trường đất đã xuất hiện tại một số nơi. Đặc biệt, đối với môi trường không khí, đáng chú ý nhất là vấn đề ô nhiễm bụi, ô nhiễm do khí thải NH3, SO2, NO2 tại một số khu công nghiệp, làng nghề. Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động sản xuất ở các vùng nông thôn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, công nghiệp lạc hậu, hiệu quả sử dụng nguyên/nhiên liệu còn thấp, mặt bằng sản xuất hạn chế cùng với nhận thức của người dân về bảo vệ chưa cao. Trong khi đó, những năm gần đây, các cụm công nghiệp có xu hướng chuyển dần về khu vực nông thôn, tạo sức ép lên môi trường, là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường ở một số vùng nông thôn.

Đồng thời, chương trình đã nhận định một số vấn đề bức xúc, nổi cộm về môi trường nông thôn như phát triển sản xuất kinh tế chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn còn hạn chế; chưa kiểm soát được chất thảo bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật; khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề; công tác quản lý môi trường thiết đơn vị đầu mối quản lý, tỷ lệ dân cư nông thôn được cấp nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn còn thấp.

Thông qua đánh giá, phân tích, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra một số kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và đối với các địa phương mang tính định hướng cần được tập trung chỉ đạo và thực hiện trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý; phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm; từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nước ta.
Trích dẫn http://www.thiennhien.net/2015/06/24/phat-trien-kinh-te-chua-quan-tam-dung-muc-den-bao-ve-moi-truong/