8:30 AM
Qui hoạch năng lượng của Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình. Nhu cầu năng lượng ngày càng cao trên cả nước và nhu cầu năng lượng để đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo trên 6% đang tạo ra những thách thức và đồng thời là cơ hội không nhỏ cho các lãnh đạo ngành năng lượng Việt Nam.
Các lựa chọn về năng lượng sẵn có cho Việt Nam, ưu và nhược điểm của chúng, những cân nhắc về đầu tư và môi trường, và các hướng đi cho tương lại đã được đưa ra thảo luận giữa các chuyên gia trong nước về ngành điện, lãnh đạo doanh nghiệp GE và các chuyên gia pháp lý và tài chính tại hội nghị Powering Vietnam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27 tháng Tư. 8 nội dung chính đã được chúng tôi đúc rút lại từ các phiên thảo luận chuyên sâu này.
1. Các nhà đầu tư muốn có một môi trường đầu tư cởi mở và chắc chắn hơn
Các nhà đầu tư luôn muốn dự đoán được thu nhập và lợi tức đầu tư khi họ cân nhắc hỗ trợ một dự án năng lượng. Khả năng dự đoán được và tính ổn định sẽ được cải thiện nếu có môi trường pháp lý cởi mở và minh bạch, tạo "sự yên tâm" và "không gây bất ngờ" cho các nhà đầu tư và phát triển năng lượng.
2. Thiết lập mối quan hệ, tạo dựng cơ hội
Thiết lập mối quan hệ với các cơ quan tín dụng, và các tổ chức tài chính sẽ giúp tìm kiếm nguồn vốn hợp lý, phù hợp nhất cho mỗi dự án một cách linh hoạt hơn.
Về khía cạnh này, GE đã cấu trúc lại hoạt động phân phối vốn của mình để cung cấp thêm nhiều lựa chọn tài chính cho khách hàng. Thêm vào đó, với tư cách là một nhà sản xuất thiết bị có thương hiệu trên thị trường, GE có kinh nghiệm, mối quan hệ hợp tác lâu dài với nhiều tổ chức đầu tư. Những mối quan hệ này có thể tạo ra sức ảnh hưởng lớn vì tài chính thường chiếm từ 10% -15% chi phí của một dự án nhà máy điện. Sự chênh lệch về chi phí thường phụ thuộc vào việc tiếp cận được nguồn vốn rẻ nhất – với các điều khoản hợp lý nhất - cho một dự án.
3. Cách tốt nhất là tiếp cận từng thị trường một
Cách tiếp cận từng thị trường một là cách duy nhất để phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng phù hợp nhất cho tương lai. Ví dụ như Việt Nam, đã có những cam kết đối với việc sử dụng than, và phá vỡ nó, sẽ gây ra những vấn đề lớn cho xếp hạng tín nhiệm của quốc gia.
Cần phải biết rằng mỗi quốc gia đều đã có sẵn quy hoạch năng lượng – Vì vậy, câu hỏi đặt ra là có thể phát triển thêm gì từ nền tảng này. Ở một vài nước, đôi khi một thảm hoạ mới có thể dẫn đến thay đổi, chẳng hạn sự kiện khủng khiếp ở Fukushima ở Nhật Bản. Ở Trung Quốc, động lực tạo ra thay đổi là các tác động môi trường nghiêm trọng của cơ cấu năng lượng.
4. Hãy đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện tại
Mặc dù tất cả các quốc gia đã xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng – nhưng không phải tất cả đều được tối ưu hóa hoàn toàn. Do đó, việc áp dụng các công nghệ mới để cải thiện hiệu suất, tiết kiệm chi phí và độ tin cậy đối với các cơ sở hạ tầng hiện có là một bước đi đầu tiên rất tiềm năng.
Ví dụ, các giải pháp công nghiệp số sẽ tạo ra sự thay đổi. GE ước tính rằng việc cài đặt các bộ cảm biến bảo trì mới và phần mềm theo dõi sẽ cho phép các nhà quản lý nhà máy nắm bắt được hơn 95% lỗi thiết bị trước khi chúng xảy ra. Ngoài ra, nâng cấp cơ sở vật chất sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện than hiện tại ở Việt Nam có thể giảm 11,4 triệu tấn CO2 phát thải ra bên ngoài.
5. Phát triển tài năng để xây dựng tương lai
Một lực lượng lao động có tay nghề cao là cần thiết để tối đa hóa lợi ích được của các công nghệ và giải pháp năng lượng mới. Do đó, tất cả các quốc gia cần phải đầu tư vào các chương trình để thu hút, đào tạo, và phát triển các thế hệ kỹ sư, các chuyên gia về năng lượng trong tương lai. Hiện nay, Việt Nam thiếu nhân tài trong ngành điện và nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động trong nước, bao gồm cả GE, cam kết không ngừng phát triển các kỹ năng của nhân viên trong nhiều lĩnh vực bao gồm kỹ thuật và lãnh đạo.
6. Thay đổi để phù hợp với thị trường
Để đảm bảo mỗi quốc gia có cơ cấu năng lượng phù hợp nhất cho nhu cầu và nguồn lực của mình, tính linh hoạt để thích ứng với các điều kiện biến đổi của thị trường là cần thiết.
Thích ứng với thay đổi của thị trường năng lượng đôi lúc là một thách thức không nhỏ. Về vấn đề này, Việt Nam đã tiên phong bằng cách tăng thêm năng lượng tái tạo trong cơ cấu ngành năng lượng trong tương lai. Về hình mẫu cho phát triển năng lượng, Việt Nam có thể tham khảo Đan Mạch và California, những quốc gia đi đầu về phát triển năng lượng bền vững. Bắt đầu với biểu giá cho năng lượng tái tạo, người Đan Mạch và California đã dần dần loại bỏ mô hình này vì những đổi mới đã làm cho việc sản xuất và truyền tải năng lượng tái tạo ngày càng rẻ hơn
7. Kĩ thuật số sẽ quyết định cuộc chơi
Mặc dù số hóa ngành năng lượng mới chỉ ở giai đoạn đầu, các giải pháp và công nghệ mới hoàn toàn có tiềm năng thay đổi ngành năng lượng của Việt Nam. Ví dụ, bằng cách sử dụng các công nghệ tuabin khí mới nhất, được hỗ trợ bởi các giải pháp kỹ thuật số và ứng dụng cũng như phần mềm dự đoán, Việt Nam có thể đạt được mức tiết kiệm nhiên liệu trong vòng 25 năm tới là 8,4 tỷ đô la – tương tự, việc nâng cấp và số hóa truyền tải và phân phối điện của quốc gia có thể tạo ra thêm 2,4 tỷ USD lợi nhuận trong thập kỷ tới.
8. Việt Nam có tiềm năng rất lớn
Việt Nam có sức hút lớn với các nhà sản xuất do chi phí cơ sở hạ tầng tương đối rẻ, đặc biệt là chi phí năng lượng thấp cung cấp điện cho các nhà máy và cơ sở sản xuất của họ. Đó là lý do tại sao Việt Nam cần có kế hoạch tốt cho tương lai, và tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng năng lượng hiện có. Chỉ tính riêng các cơ sở hạ tầng năng lượng hiện nay, Việt Nam có tiềm năng tiết kiệm được 25 tỷ đô la Mỹ trong 25 năm tới với các khoản đầu tư và lựa chọn đúng đắn để tối ưu hóa hiệu quả năng lượng.
Nguồn: http://gereportsasean.com/post/161195333170/powering-vietnam-8-key-trends-shaping-the
Người dịch: Nguyễn Hải Long
Hiệu đính: Nguyễn Thị Hằng