Bài viết kỉ niệm nhân ngày sinh nhật 102 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp Tác giả: Tiến Sỹ Ngô Đức Lâm 1. Những ngày này báo hình, báo viết khắp cả ...
Bài viết kỉ niệm nhân ngày sinh nhật 102 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tác giả: Tiến Sỹ Ngô Đức Lâm
1. Những ngày này báo hình, báo viết khắp cả nước đưa tin về các cuộc thảo luận, hội thảo xung quanh câu chuyện sửa đổi một số điều của Luật Điện lực mà Quốc hội sắp thông qua. Nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo Luật sửa đổi, tranh luận nhau khá gay gắt của nhiều nhà Khoa học, Doanh nhân, Luật sư người dân vàkể cả trong nghị trường của các đại biểu Quốc hội. Có thể nói cả nước quan tâm đến Điện lực vì lẽ rất đơn giản- Điện lực gắn liền với đời sống người dân và phát triển kinh tế đất nước. Ai cũng biết điện lực là hạ tầng cơ sở có tầm quan trọng sống còn cho sự phát triển kinh tế- xã hội- an ninh quốc phòng và đời sống sinh hoạt của người dân. Và ai cũng biết trong nhiều năm qua, từ khi còn chiến tranh cho đến nay khi hòa bình phát triển kinh tế đất nước, cán bộ, công nhân, viên chức ngành Điện lực đã có cố gắng rất lớn đáng tự hào vì đã đóng góp cho sự phát triển chung và nhân dân cũng đã ghi nhận những thành tựu đó. Tuy nhiên điện lực vẫn còn nhiều tồn tại gây bức xúc, nhân dân mong muốn ngành điện lực cần đổi mới nhiều hơn, hạn chế độc quyền hơn mới bắt nhịp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong những ngày Quốc hội thảo luận về sửa đổi Luật Điện lực.tôi đã vinh dự cùng các anh em chuyên gia độc lập là các Giáo sư, Tiến sỹ chuyên viên cao cấp chuyên ngành làm việc cùng Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nghiên cứu các văn kiện, tài liệu liên quan tới dự Luật này để đóng góp ý kiến tớiUỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội tham khảo trong quá trình thẩm tra, nhằm giúp cho Luật sửa đổi mang tính hiện thực hơn, phù hợp hơn với thời kỳ thị trường cạnh tranh của điện lực để làm sao cho ngành điện lực phát triển hơn, thu hút các nhà đầu tư hơn, tận dụng được một cách hợp lý hơn các nguồn tài nguyên sơ cấp của đất nước, đảm bảo được tính tự chủ của thị trường điện lực, đảm bảo được sự quản lý của nhà nước và quyền lợi của người dân sử dụng điện.
Trong những đóng góp đó, vấn đề được quan tâm nhiều hơn lại chính là làm sao cho điện năng được sử dụng tiết kiệm hơn. Khi nghiên cứu các ý kiến phát biểu của Đại biểu Quốc hội trong khi kỳ họp này, chúng tôi nhận thấy nhiều vị đại biểu còn băn khoăn, phàn nàn nhiều về hiệu quả sử dụng điện năng còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Nhiều ngành công nghiệp nước ta còn có công nghệ rất lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng, điện năng cho sinh hoạt còn lãng phí. Như thế khó có thể phát triển được ngành điện lực, khó có thể thực hiện được Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI về kết cấu hạ tầng điện lực là đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Tôi cũng còn nhớ câu chuyện đã xảy ra cách đây 30 năm. Vào mùa xuân năm 1982, khi nhà máy Nhiệt điện Phả Lại sắp đi vào hoạt động. Cả nước vui mừng, cả nước phấn chấn, tự hào về một nhà máy Nhiệt điện cỡ lớn- công trình của Chủ nghĩa Xã hội
Khi ấy tôi còn là một Cán bộ Kĩ thuật trẻ tuổi, làm việc tại Vụ Khoa học kỹ thuật của Bộ Điện và Than. Buổi chiều đẹp trời, tôi nhận được điện thoại mời lên gặp lãnh đạo Bộ. Tiếp tôi, đồng chí Thứ trưởng có tuổi vào ngay đề là giao ngay nhiệm vụ cho tôi: “ Bộ cử đồng chí sáng thứ sáu đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm nhà máy điện Phả Lại”
Quá đột ngột, tôi sững sờ vừa vui lại vừa lo, tôi báo cáo: “ Thưa đồng chí Thứ trưởng, tôi chỉ là Cán bộ kỹ thuật bình thường sao đồng chí không cử đồng chí khác, sao lại là tôi?”. Đồng chí Thứ trưởng nói: “ Đây là yêu cầu của Đại tướng, cần một cán bộ kỹ thuật am hiểu chuyên môn, đồng chí là một Tiến sỹ chuyên ngành Nhiệt điện là đúng với yêu cầu của Đại tướng đó”.
Hồi hộp suốt đêm, suy nghĩ trằn trọc, đúng 6 giờ sáng hôm sau tôi đã có mặt tại Bộ, chiếc xe Látđa màu trắng của văn phòng Bộ đã chờ sẵn đưa tôi đến nhà Đại tướng phố Hoàng Diệu, Hà Nội- 6 giờ 45 phút, Cận vệ của Đại tướng ra cổng đưa tôi đến phòng khách, một tầng tĩnh lặng, trong khuôn viên đầy hoa và cây xanh cổ thụ.
Đồng chí nói : “Đại tướng mời đồng chí uống cà phê, đúng 7 giờ sẽ xuất phát”. Và đúng 7 giờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bộ quần áo thường phục giản dị bước ra. Tôi lặng đi vì xúc động, lúc đó Đại tướng tuổi cũng đã cao nhưng rất nhanh nhẹn, khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng và ấm áp với nụ cười tươi, đồng chí bắt tay tôi và hỏi nhẹ nhàng: “ Đồng chí là Tiến sỹ Ngô Đức Lâm phải không?”
“Dạ, vâng thưa Đại tướng, tôi được Bộ cử đi tháp tùng Đại tướng ạ”. Ngay lúc đó đồng chí sỹ quan- thư ký riêng của Đại tướng đến mời Đại tướng lên xe. Tôi lùi lại phía sau nhưng ngay lúc đó Đại tướng quay lại vẫy tôi lên xe ngồi cùng xe và cạnh ngay Đại tướng. Hồi hộp quá tôi chẳng nghĩ ra tại sao Đại tướng lại cho tôi được ngồi bên cạnh đi cùng Người về thăm Phả Lại. Nhưng ngay sau khi xe chuyển bánh, Đại tướng đã nói ngay: “ Tôi muốn mời đồng chí đi cùng để tôi muốn hỏi và trao đổi với đồng chí một số vấn đề về nhà máy trên đường đi để chúng ta tiết kiệm thời gian”. Như thế đấy, Đại tướng của chúng ta tiết kiệm thời gian như thế nào chỉ có khoảng 45 đến 60 phút thôi, đồng chí đã tận dụng triệt để để làm việc, để tìm hiểu tình hình nhà máy, đỡ mất thời giờ nghe báo cáo tại Hội trường nhà máy, giành thời gian nhiều hơn cho việc gặp gỡ công nhân tại hiện trường. Và từ giây phút này, suốt trên đường đi bao nhiêu câu hỏi đã được đặt ra, nào là nhà máy được xây dựng từ khi nào? thời gian bao lâu? khó khăn gì? có những sáng kiến gì khi xây dựng nhà máy? ống khói xây dựng theo phương pháp “ bê tông trựợt” có hiệu quả không? Đã nghiệm thu nguội chưa? Có vấn đề gì về kỹ thuật nảy sinh không?v.v… Tôi đã phải cố gắng làm sao trình bày được đủ ý, rõ ý và ngắn nhất để đỡ mất thời giờ của Đại tướng.
Điều lắng đọng nhất còn để lại cho tôi tới tận bây giờ là đồng chí Đại tướng đặc biệt chú ý về vấn đề công nghệ của nhà máy, những câu hỏi mà Đại tướng đặt ra là những câu hỏi mà ít khi tôi thấy ở các Cán bộ cao cấp khác. Đồng chí hỏi tôi: “ Công nghệ đốt lò ở đây có giống với lò hơi của nhà máy Uông Bí không?”. Tôi hiểu ý đồng chí là liệu lò hơi của nhà máy Nhiệt điện Phả Lại có xảy ra tình trạng “đóng xỉ” như nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, có xảy ra việc phải thường xuyên ngừng lò do sự cố đóng xỉ, có xảy ra tai nạn cho thợ đốt lò không? Để trả lời những câu này của Đại tướng, tôi đã vận dụng rất nhiều từ và kiến thức chuyên môn của ngành nhiệt học như nhiệt độ nóng chảy của than ăngtraxit ra sao, chế độ khi khởi động thế nào, gió cấp 1, cấp 2 ra sao và kinh nghiệm hiểu chỉnh của Kỹ sư đã có được như thế nào. Đồng chí rất chú ý lắng nghe thỉnh thoảng lại vặn lại, trao đổi lại. Qua trao đổi tôi hiểu rằng, đồng chí muốn đánh giá công nghệ của nhà máy Điện Phả Lại đến đâu, có thực sự hiện đại không, có phải là công nghệ thải ra từ các nước tiên tiến không… Đồng chí Đại tướng trăn trở tại sao điện từ dùng của nhà máy vẫn còn cao, liệu khói từ nhà máy thải ra xung quanh có còn nhiều bụi không, có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và hoa màu, ruộng nương của bà con vùng sâu đang sống xung quanh nhà máy không. Những câu hỏi, những băn khoăn của Đại tướng làm tôi sững sờ, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, làm sao Đại tướng lại đủ kiên nhẫn nghe và hỏi những vấn đề chuyên môn sâu tường tận đến như vậy mà thường chỉ xảy ra trong các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên ngành. Điều này tôi nghĩ mãi và tự vấn giải, tự trả lời ở phần cuối của bài viết này.
Thời gian trôi trên đường đi tới Phả Lại quá nhanh, 60 phút đã trôi qua, xe đã tới phà Cầu Đủ nối sang địa phần huyện Sao Đỏ, gần nhà máy, ở đây các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Hải Hưng, lãnh đạo của Bộ, lãnh đạo công trường nhà máy và các chuyên gia Liên Xô đã chờ sẵn hân hoan đón mừng đại tướng, một chuyến đi không theo nghi thức nhưng khi biết Đại tướng tới thăm cả công trường đã náo nhiệt hẳn lên. Nhiều công nhân đang làm việc ở các tầng cao đã tụt ngay xuống đổ vào biển người, vỗ tay hô vang mừng Đại tướng với cả tấm lòng tôn kính và chân thật nhất. Tôi xúc động… rất xúc động chứng kiến tình cảm này và cho đến bây giờ mỗi khi nhớ lại những hình ảnh đó tôi vẫn còn xúc động…
3. Quay lại phần đầu tôi viết về những vấn đề, những nội dung cần quan tâm khi sửa Luật Điện lực, vấn đề quan tâm nhất vẫn là vấn đề tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả điện năng, làm sao để tiết kiệm điện năng nhiều nhất trong lĩnh vực sinh hoạt, làm sao có hiệu quả nhất trong quá trình sản xuất của Ngành tiêu tốn nhiều Năng lượng điện như ngành luyện kim, sản xuất thép, xi măng, hóa chất… Đã đến lúc phải nhanh chóng thay thế các công nghệ cũ, không tiếp nhận các công nghệ lỗi thời, đào thải ra từ các nước tiến tiến mà ngày nay đâu đó đôi khi vẫn còn xảy ra. Vấn đề tiết kiệm hiệu quả sử dụng công nghệ tiêu tốn ít điện năng cho tới nay vẫn còn đang trao đổi, thảo luận, chợt nghĩ hơn nữa những vấn đề chiến lược như thế này ngay 30 năm về trước, Đại tướng đáng kính của chúng ta đã đề cập trong hành trình 60 phút của chuyến xe trong câu chuyện khi Người đến thăm nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Ngay từ ngày ấy người đã quan tâm đến việc làm sao để nhà máy có điện tự dùng tiết kiệm nhất, làm sao công nghệ nhà máy điện tuốc bin nồi hơi phải có công suất tiêu hao nhiên liệu được thấp nhất, phải chú ý đến công nghệ hiệu chỉnh để tuốc bin không bị rung, lò hơi không phải bị đóng xỉ nhằm để nhà máy được vận hành an toàn, liên tục, cung câp điện tốt nhất cho nền kinh tế quốc gia, cho công cuộc công nghiệp hóa nước nhà.
Suy nghĩ mãi tôi vẫn không hình dung ra nổi tại sao một vị đại tướng với những chiến công lẫy lừng đất nước vang dội địa cầu, bận rộn với binh nghiệp lại có thể am hiểu, quan tâm tới những vấn đề cốt lõi, chủ chốt của nền kinh tế mà ở đây là vấn đề điện lực.
Tại sao những suy nghĩ chỉ bảo của Đại tướng thời bấy giờ lại là những vấn đề nóng hổi của hiện tại, vấn đề hiệu quả và tiết kiệm của ngành điện lực cũng là vấn đề thuộc về chiến lược quốc gia
Phải chăng đó có phải là tầm nhìn của những con người kiệt suất?