8:30 AM
Từ 2012, GreenID đã đi tiên phong trong việc thử nghiệm triển khai chương trình Lập kế hoạch Năng lượng địa phương (LEP) tại 2 xã Nam Cường và Bắc Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. LEP là một phương pháp tiếp cận có sự tham gia trong đó một bản kế hoach năng lượng sẽ được xây dựng bởi và cùng với người dân địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững cũng như đưa ra các giải pháp lựa chọn ứng dụng và phát triển năng lượng bền vững tại địa phương. Từ thành công ban đầu tại 2 xã nêu trên, năm 2013 GreenID triển khai nhân rộng cách tiếp cận này tại 03 xã ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định và 01 xã tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 2014, LEP được triển khai tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Cách tiếp cận này đã được triển khai thành công ở cấp xã tại các tỉnh nêu trên và từ năm 2016, GreenID mở rộng phương pháp này ra tỉnh Đắc Lắc và An Giang cũng ở quy mô cấp xã. Từ thực tế triển khai mô hình này, GreenID cho rằng LEP hứa hẹn tiềm năng lớn để ứng dụng rộng rãi ở nhiều địa bàn khác trong cả nước và có thể được xem xét để áp dụng ở các cấp cao hơn.
GreenID hướng tới mục tiêu phát triển phương pháp Lập kế hoạch Năng lượng Địa phương thành một mô hình kiến tạo và đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp năng lượng bền vững ở cấp cộng đồng. Để phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược này, GreenID tổ chức hoạt động đánh giá độc lập kết quả thực hiện chương trình lập kế hoạch năng lượng địa phương tại địa bàn 3 tỉnh gồm Nam Định, Thái Bình và Cà Mau. GreenID cần tuyển 01 chuyên gia có kinh nghiệm trong việc đánh giá độc lập các dự án phát triển và các lĩnh vực có liên quan.
2. Yêu cầu và mô tả công việc
2.1 Mục tiêu đánh giá
- Xem xét những ưu điểm, nhược điểm và kết quả, đóng góp chính về mặt kinh tế xã hội môi trường mà LEP đem lại đối với các cộng đồng tại 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Cà Mau.
- Đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của mô hình lập kế hoạch năng lượng địa phương do GreenID triển khai bao gồm việc đánh giá về tiến trình thực hiện LEP, các công cụ sử dụng trong tiến trình LEP trong bối cảnh phát triển ở cấp cơ sở tại Việt Nam.
- Đánh giá về tính phù hợp của LEP với các chính sách, chương trình liên quan hiện có ở cấp quốc gia.
- Đánh giá về cơ hội và khả năng nhân rộng, lồng ghép hoặc vận động cho việc ứng dụng LEP ở những quy mô khác nhau từ cấp xã, đến cấp huyện và cấp tỉnh.
- Đưa ra đề xuất chuẩn hóa công cụ và phương pháp thực hiện LEP, cũng như những bài học kinh nghiệm để triển khai tốt hơn mô hình LEP tại An Giang và Đắc Lắc, kèm theo lộ trình để có thể triển khai rộng rãi tại Việt Nam.
2.2 Câu hỏi đánh giá chủ yếu
- Hãy chỉ ra đâu là những ưu điểm, tính sáng tạo, các kết quả đạt được cũng như tác động, đóng góp của LEP về mặt kinh tế, xã hội, môi trường đối với các cộng đồng địa phương áp dụng LEP?
- Những giải pháp năng lượng bền vững đang được áp dụng tại các cộng đồng có hiệu quả như thế nào? Có phù hợp không? (Xét đến tính bền vững của mô hình về mặt tài chính, kỹ thuật và vận hành.)
- Đâu là những điểm phù hợp cũng như hạn chế trong quy trình thực hiện LEP bao gồm các bước thực hiện, sự tham gia và vai trò của các bên liên quan, công cụ kỹ thuật, nguồn lực ở quy mô cấp xã?
- Quy hoạch năng lượng địa phương LEP có sự phù hợp như thế nào với các chương trình, chính sách hiện có ở cấp tỉnh, quốc gia?
- Cơ hội để lồng ghép vào các chương trình, chính sách để mở rộng và nâng cấp quy mô áp dụng LEP ở Việt Nam?
- Hãy đưa ra những tư vấn, khuyến nghị về lộ trình và các bước thực hiện để chuẩn hóa quy trình, công cụ áp dụng trong LEP cho phù hợp với những điều kiện chính sách, kinh tế-xã hội hiện có tại Việt Nam cũng như để nhân rộng quy mô chương trình LEP ở các cấp cao hơn (cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia)
2.3 Mô tả công việc cụ thể của chuyên gia:
Chuyên gia đánh giá độc lập sẽ thực hiện bao gồm nhưng không giới hạn các công việc cụ thể sau đây:
- Thiết kế đề cương đánh giá bao gồm: mục tiêu đánh giá, phương pháp thu thập thông tin, các chỉ số đánh giá, nguồn thu thập thông tin và kế hoạch thu thập thông tin, đề cương báo cáo đánh giá. Lưu ý: Đề cương đánh giá cần được gửi cho GreenID 1 tuần trước khi tiến hành đánh giá để thống nhất.
- Nghiên cứu tài liệu hiện có và thu thập thêm các tài liệu có liên quan phục vụ cho quá trình đánh giá, phân tích: Tiến hành nghiên cứu các tài liệu của GreenID về LEP tại 3 địa bàn, các chính sách, chương trình liên quan khác ở Việt Nam và khu vực.
- Đi khảo sát tại địa bàn dự án, phỏng vấn các đối tác tham gia thực hiện LEP bao gồm: nhóm năng lượng địa phương, lãnh đạo xã, cơ quan liên quan cấp huyện, tỉnh, doanh nghiệp, người hưởng lợi, chuyên gia tham gia vào quá trình triển khai hoạt động nằm trong khuôn khổ các dự án đã được thực hiện tại 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Cà Mau.
- Phân tích, tổng hợp thông tin, dữ liệu thu được và viết báo cáo đánh giá giải đáp được toàn bộ những câu hỏi đánh giá cũng như mục tiêu của việc đánh giá
3. Kết quả mong đợi
- Đề cương đánh giá được gửi cho GreenID 1 tuần trước khi tiến hành hoạt động đánh giá.
- Bản thảo báo cáo được gửi về văn phòng GreenID trước khi hoàn thiện trước ngày 10/12/2016 để góp ý và chỉnh sửa.
- Bản báo cáo hoàn chỉnh không quá 40 trang (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, không kể phụ lục) được gửi về văn phòng GreenID muộn nhất là ngày 20/12/2016.
- Bài trình bày 30 – 45 phút (file power point) chia sẻ những điểm chính và kết quả của hoạt động đánh giá được gửi về văn phòng GreenID. Bài trình bày sẽ được chia sẻ tại các buổi hội thảo có sự tham gia của các bên liên quan trong trình thực hiện chương trình LEP, các nhà hoạch định chính sách,..
4. Yêu cầu đối với chuyên gia
- Là chuyên gia độc lập có ít nhất 10 năm kinh nghiệm về lĩnh vực đánh giá, thẩm định các dự án phát triển và các dự án có liên quan tới lĩnh vực năng lượng
- Có trình độ từ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên chuyên ngành năng lượng hoặc phát triển cộng đồng;
- Có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh (Nói và viết)
- Am hiểu hệ thống chính sách, chính trị, pháp luật của Việt Nam
- Có khả năng tổng hợp, tư duy phản biện và phân tích độc lập, khách quan và đưa ra các khuyến nghị đề xuất phù hợp, sắc sảo, có tính sáng tạo và khả thi trong bối cảnh Việt Nam.
- Có kinh nghiệm trong việc viết các báo cáo đánh giá, phân tích tổng hợp các dự án về năng lượng
5. Thời gian thực hiện và nguồn kinh phí
- Thời gian thực hiện: Từ ngày 07/11/2016 đến ngày 20/12/2016
- Tổng thời gian làm việc nhiều nhất của chuyên gia đánh giá là 22 ngày. Chi phí tư vấn được xác định dựa trên trình độ, kinh nghiệm của chuyên gia và theo thỏa thuận phù hợp với quy định của dự án, bộ tài chính và EU-cost norm giành cho chuyên gia trong nước. Các chi phí liên quan bao gồm chi phí di chuyển, chỗ ở, công tác phí cho nghiên cứu này sẽ được chỉ trả bởi GreenID với sự hỗ trơ tài chính từ tổ chức Oxfam Úc và Quỹ McKnight.
6. Thông tin liên hệ:
Các ứng viên quan tâm đáp ứng được những yêu cầu tuyển dụng trên chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- CV tuyển dụng
- Những báo cáo đã từng thực hiện có liên quan đến công việc đánh giá
- Tài liệu liên quan cần thiết
Hồ sơ xin gửi về địa chỉ:
Đỗ Xuân Hoàn – Cán bộ dự án
Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)
Địa chỉ: Phòng 707, tầng 7, tòa nhà Sunrise Building, 90 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại/Fax: +84 4 379 563 72 - +84 96 777 2826
Email: dxhoan@greenidvietnam.org.vn
Hạn cuối nộp hồ sơ: 30/10/2016