Trận mưa lũ lịch sử xảy ra tại Quảng Ninh - vùng tập trung các mỏ than với trữ lượng lớn nhất của cả nước - gần đây đã gây ...
Trận mưa lũ lịch sử xảy ra tại Quảng Ninh - vùng tập trung các mỏ than với trữ lượng lớn nhất của cả nước - gần đây đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành than với tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 1.000 tỷ đồng.
Hiện tượng thời tiết cực đoan này cũng tác động tiêu cực tới ngành năng lượng của Việt Nam nói chung, do ngành này phụ thuộc rất lớn vào nhiệt điện than. Đó là luận điểm được nhiều nhà khoa học chia sẻ.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), hậu quả xảy ra sau lũ lụt có thể là sẽ xuất hiện tình trạng thiếu điện do một số mỏ than bị thiệt hại nặng nề và phải tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, các kho dự trữ than của một số nhà máy nhiệt điện chỉ đủ dùng cho một thời gian ngắn.
Hiện nay, nhiệt điện than chiếm hơn 20% nguồn cung cấp điện tại Việt Nam và được dự báo là sẽ tăng lên 50% trong 15 năm tới và Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than để phát điện.
Để tránh tình trạng gián đoạn nguồn cung và giảm bớt sự phụ thuộc vào than, các nhà khoa học khuyến nghị xem xét đẩy mạnh gia tăng tỉ trọng sử dụng các nguồn năng lượng nội địa dồi dào khác.
Khai thác và sử dụng than được coi là nguyên nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu. Nhiệt điện than chiếm 37% tổng lượng CO2 toàn cầu và 72% tổng lượng GHG khí thải ngành điện toàn cầu. Hiện ở Việt Nam có 19 nhà máy điện than đang vận hành, trong đó it nhất 2/3 số nhà máy sử dụng than từ vùng Quảng Ninh.
Theo dự kiến, trong số 57 dự án nhiệt điện than sắp tới sẽ xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có 9 dự án; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 6 dự án; Tập đoàn Than-Khoáng sản có 6 dự án. Các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài có 4 dự án; nhà đầu tư BOT có 14 dự án và 18 dự án chưa có chủ đầu tư.
ANH PHƯƠNG
Trích dẫn: http://www.sggp.org.vn/xahoi/2015/8/392246/