Tại Phiên họp đặc biệt của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế được tổ chức ngày 28 tháng 01 năm 2015 tại Viên Chăn, Lào, ...
Tại Phiên họp đặc biệt của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế được tổ chức ngày 28 tháng 01 năm 2015 tại Viên Chăn, Lào, đa số các quốc gia thành viên kêu gọi gia hạn tham vấn đối với dự án thủy điện Đôn Sa-hông. Phiên họp này được tổ chức nhằm xem xét các kết quả sau 06 tháng tham vấn về dự án này.
Tháng 9 năm 2013, Ủy ban sông Mê Công quốc gia Lào đã thông báo về việc triển khai dự án thủy điện Đôn Sa-hông, đây là dự án thủy điện thứ hai dự kiến được xây dựng trên dòng chính sông Mê Công. Thông báo này tiếp tục gây bất ngờ với các nước trong lưu vực vốn vẫn đang trăn trở về những tác động của công trình thủy điện Xay-nha-bu-ly được khởi công tại Lào cuối năm 2012. Dự án này có công suất 260 MW và chỉ cách biên giới Campuchia 1,5 km về phía hạ lưu. Trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá, nhiều chuyên gia cho rằng dự án có thể gây những tác động xuyên biên giới, đặc biệt về sự di cư của cá và đa dạng sinh học, chưa kể là đến nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của Lào ở vùng Xì-Phăn-Đon nói chung và Thác Khôn nói riêng.
Quá trình tham vấn trước, cả cấp quốc gia và cấp vùng đã đi đến kết luận rằng các thông tin do chủ đầu tư cung cấp chưa đầy đủ, thiếu nhiều số liệu, chưa đề xuất được các biện pháp phù hợp để giảm thiểu các tác động, đặc biệt là giải pháp cho đường di cư của cá.
Khẳng định dự án chắc chắn có những tác động tiêu cực tiềm tàng đối với Campuchia, đoàn Campuchia yêu cầu phải tiến hành đánh giá tác động môi trường và kinh tế xã hội ở khu vực ngay hạ lưu công trình đập. “Cần thêm thời gian để các đối tác của Ủy hội nghiên cứu, đánh giá sâu hơn, chi tiết hơn về các tác động xuyên biên giới...”. Đó là đề xuất được nêu tại văn bản trả lời của Campuchia về tham vấn trước dự án thủy điện Đôn Sa-hông.
Chia sẻ quan điểm trên, đoàn Thái Lan đề nghị có thêm thông tin, dữ liệu để nghiên cứu và đánh giá các tác động tích cực và tiêu cực của dự án nhằm đưa ra các giải pháp giảm thiểu thích hợp. Văn bản trả lời của Thái Lan cũng nêu quan ngại sâu sắc về những ảnh hưởng đối với hệ sinh thái và sự di cư của cá, thiếu đánh giá tác động đối với Campuchia ở vùng hạ lưu và sinh kế của người dân địa phương. Căn cứ Thủ tục Thông báo Tham vấn trước và Thỏa thuận, đoàn Thái Lan kiến nghị kéo dài tham vấn thêm 06 tháng.
Tại Phiên họp, đoàn Việt Nam ủng hộ quan điểm cần tiếp tục bổ sung thông tin, dữ liệu nhất là về thủy sản, dòng chảy và bùn cát, các tác động xuyên biên giới tiềm tàng cũng như có đánh giá về hiệu quả các biện pháp giảm thiểu do chủ đầu tư đề xuất. “Trên cơ sở kết quả của quá trình tham vấn cũng như từ kinh nghiệm của công trình thuỷ điện Xay-nha-bu-ly, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đề nghị cần gia hạn thời gian tham vấn trước đối với dự án thuỷ điện Đôn Sa-hông đến cuối năm 2015”, ông Lê Đức Trung, Ủy viên Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại Phiên họp.
Trình bày tại Phiên họp về kết quả tham vấn cộng đồng, Ban Thư ký Ủy hội đã nêu phản ứng mạnh mẽ của dư luận trong khu vực trước việc thiếu thông tin, dữ liệu về các tác động xuyên biên giới, hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu do chủ đầu tư đề xuất chưa thuyết phục. Đã có hàng chục tổ chức phi chính phủ trong và ngoài khu vực đã lên tiếng yêu cầu nghiên cứu, đánh giá đầy đủ hơn về các tác động của dự án, tang cường các hoạt động tham vấn, thậm chí đề nghị dừng công tác chuẩn bị cho dự án cho đến khi có đầy đủ các thông tin và kết luận cụ thể.
Trong khi đoàn Lào vẫn cho rằng đã hoàn tất quá trình tham vấn, “Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đều kiến nghị cần thêm thời gian cho nghiên cứu và đánh giá sâu hơn nhằm bổ sung thông tin và kiến thức còn thiếu, khắc phục tính không chắc chắn của Dự án”, theo Biên bản của Phiên họp.
Phiên họp nhất trí báo cáo kết quả quá trình tham vấn trước sẽ trình lên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế để xem xét cho ý kiến chỉ đạo.
Trích dẫn tại: http://vnmc.gov.vn/newsdetail/403/yeu-cau-gia-han-thoi-gian-tham-van-oi-voi-du-an-thuy-ien-on-sa-hong.aspx#sthash.JYLu1RAT.dpuf