Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Các câu lạc bộ Năng lượng bền vững góp phần thúc đẩy năng lượng tái tạo tại xã Nguyễn Phích

  |   Viết bởi : Đỗ Xuân Hoàn - Cán bộ dự án GreenID

  Nâng cao kiến thức của người dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời khuyến khích họ áp dụng các mô hình năng lượng ...

 

Nâng cao kiến thức của người dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời khuyến khích họ áp dụng các mô hình năng lượng bền vững gắn liền với việc khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên tại địa phương, bảo vệ môi trường, là một trong những mục tiêu chính của dự án: “Thúc đẩy các giải pháp năng lượng bền vững cấp cộng đồng tại tỉnh Cà Mau, góp phần quản trị tốt nguồn tài nguyên nước khu vực Mê Công”, được Oxfam Australia tài trợ.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Cà Mau hỗ trợ thành lập các “Câu lạc bộ năng lượng bền vững” tại địa bàn xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Bên cạnh việc thành lập các câu lạc bộ và tổ chức các hoạt động truyền thông giúp người dân địa phương biết cách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, gắn liền với bảo vệ môi trường , Ban quản lý dự án, với sự hỗ trợ của các chuyên gia đã giúp đào tạo và hình thành các nhóm thợ kỹ thuật là những người có trách nhiệm và nhiệt tình, được người dân tin tưởng. Điều này đã góp phần tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân trong xã, đồng thời giúp họ chủ động  khắc phục các vấn đề về  kỹ thuật khi gặp phải. Quan trọng không kém, việc xây dựng đội ngũ kỹ thuật tại địa phương sẽ góp phần làm giảm giá thành của các mô hình năng lượng bền vững vốn đòi hỏi kỹ thuật cao, giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn với các mô hình này, tạo tiền đề cho việc nhân rộng các mô hình năng lượng bền vững trên địa bàn xã.

Được thành lập vào tháng 3/2016, Câu lạc bộ “Phụ nữ sử dụng bếp củi cải tiến” thu hút được sự tham gia của 23 thành viên, là những chị em phụ nữ sinh sống tại địa bàn ấp 1 và ấp 2 của xã Nguyễn Phích. Dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng Câu lạc bộ “Phụ nữ sử dụng bếp củi cải tiến” đã góp phần tuyên truyền tới nhiều chị em phụ nữ trong cả 2 ấp biết về lợi ích của việc sử dụng mô hình bếp củi cải tiến, là loại bếp có thể sử dụng nhiều loại chất đốt từ sinh khối như củi, rơm, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch…với nhiều ưu điểm vượt trội, phục vụ tốt cho việc nội trợ, tiết kiệm nhiên liệu và ít khói, thân thiện với môi trường. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, câu lạc bộ còn tổ chức tập huấn đào tạo cho các chị em biết cách xây bếp củi cải tiến. Nhờ vậy, đội thợ gồm 6 thành viên đã cho ra lò những sản phẩm với chất lượng tốt, giá thành rẻ hơn nhiều so với thị trường, được nhiều bà con trong ấp tin tưởng đặt mua.

Chị Huỳnh Thị Bia– thành viên trong đội thợ cho biết: “Mấy chị em trong ấp sau khi mua bếp về sử dụng có phản ánh lại rằng bếp tốn rất ít củi mà lửa cháy to, khói thải ra ít, nghe vậy chúng tôi cũng thấy có thêm động lực để làm thêm nhiều bếp cho bà con. Chúng tôi cũng đang có ý tưởng cải tiến thêm để bếp có thể vừa sử dụng được củi, vừa sử dụng được than, trong thời gian tới sẽ thử nghiệm và tôi hi vọng sẽ thành công”. Chị Kiều thông tin, chị rất sẵn lòng đào tạo lại cách làm bếp cho các chị em ở ấp khác, với mong muốn làm sao để các chị em trong xã cùng được hưởng lợi ích của việc sử dụng bếp, vừa góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, lại vừa tạo được thêm cơ hội việc làm cho chị em trong xã.


Chị Huỳnh Thị Bia bên những chiếc bếp do chính mình tạo ra (Ảnh: GreenID)

 


Với sự hỗ trợ và tư vấn của Hội Phụ nữ xã Nguyễn Phích và Hội Phụ nữ tỉnh Cà Mau, mô hình bếp củi cải tiến được kỳ vọng sẽ được nhân rộng cho toàn xã, mở rộng quy mô của câu lạc bộ, qua đó chị em có một môi trường để trao đổi học hỏi cũng như chia sẻ lợi ích của mô hình này.

Bên cạnh câu lạc bộ “Phụ nữ sử dụng bếp củi cải tiến”, câu lạc bộ “Sử dụng mô hình khí sinh học Biogas” tại xã Nguyễn Phích cũng là một câu lạc bộ đang hoạt động rất tích cực, hiệu quả, thu hút được sự quan tâm của đông đảo bà con địa phương. Vốn là một xã nông nghiệp có tỷ lệ chăn nuôi cao, vấn đề ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi tại địa bàn xã  luôn được người dân quan tâm và xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu cần giải quyết. Sử dụng khí sinh học Biogas trong đun nấu được coi là giải pháp  cho các hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm ở xã Nguyễn Phích nói riêng và các vùng nông thôn Việt Nam nói chung. Mô hình này đem lại cả lợi ích về kinh tế lẫn môi trường, vừa giúp các hộ gia đình giảm được chi phí tiêu thụ năng lượng, vừa giảm thiểu được những ảnh hưởng gây hại tới môi trường từ các hoạt động chăn nuôi. Tuy nhiên, chi phí đề đầu tư lắp đặt một hệ thống bioga không hề nhỏ so với thu nhập của người dân địa phương. Vì vậy, câu hỏi khiến chúng tôi băn khoăn là làm thế nào để giảm được chi phí giá thành của mô hình, cũng như  giúp người dân chủ động hơn về mặt công nghệ. Xuất phát từ thực tiễn đó, GreenID và Hội LHPN tỉnh Cà Mau đã tổ chức hoạt động đào tạo, hướng dẫn cách lắp đặt hệ thống biogas túi nhựa tại hộ gia đình cho các thành viên của câu lạc bộ. Cách làm này đã góp phần làm giảm chi phí cho một mô hình từ 5 - 10 triệu đồng xuống chỉ còn khoảng 3 triệu đồng/mô hình. Nhờ đó, mục tiêu nhân rộng lợi ích của mô hình sử dụng khí sinh học bioga tới thêm nhiều hộ chăn nuôi trong xã trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, đào tạo và xây dựng đội ngũ kỹ thuật địa phương cũng luôn được chú trọng. Đến nay, nhóm thợ địa phương gồm 5 thành viên đang hoạt động rất tích cực, có đủ kiến thức và tự tin để tư vấn,lắp đặt mô hình, cũng như hướng dẫn cho người dân trong xã cách sử dụng mô hình một cách hiệu quả, bền vững.

Câu lạc bộ “Sử dụng mô hình khí sinh học bioga” bắt đầu hoạt động từ tháng 3/2016, gồm 21 thành viên là các hộ gia đình trong ấp 6 và ấp 17 đang sử dụng và sẽ lắp đặt mô hình biogas. Trong tương lai không xa, số lượng các thành viên sẽ tiếp tục được tăng lên sau khi số lượng các câu lạc bộ sẽ được mở rộng trên cả 20 ấp của toàn xã Nguyễn Phích. 

 


Đội thợ biogas địa phương đang xây dựng mô hình cho 1 hộ trong xã (Ảnh: GreenID)


Anh Phan Văn Đợi - thành viên trong đội thợ cho biết gia đình anh cũng đang sử dụng hệ thống bioga do chính anh cùng đội thợ lắp đặt từ nguồn phân dê chăn nuôi của gia đình.  Sau 1 tháng chờ quá trình yếm khí, hiện nay, gia đình anh đã có khí ga để sử dụng hàng ngày rất tiện dụng, tiết kiệm được nhiều chi phí trong đun nấu so với trước đây.

 

Mô hình biogas sử dụng tại nhà anh Đợi -ấp 6 xã Nguyễn Phích, U Minh, Cà Mau


Hi vọng trong thời gian tới, bên cạnh những hoạt động truyền thông được tổ chức thường xuyên tại các ấp trong xã, lợi ích của các mô hình năng lượng bền vững sẽ được phổ biến rộng rãi thêm tới nhiều người dân. Qua đó, xã Nguyễn Phích sẽ có thêm nhiều hộ dân áp dụng và hưởng lợi từ các mô hình năng lượng bền vững, góp phần cải thiện môi trường sống và hướng tới xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội của vùng.

Đỗ Xuân Hoàn - Cán bộ dự án GreenID