8:30 AM
Tại một số thôn, xã khó khăn của tỉnh Bắc Giang, hệ thống cung cấp nước uống tinh khiết công nghệ RO sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT) đang được chính người dân vận hành rất hiệu quả. Đây là một trong những giải pháp giúp người dân tiếp cận nước uống sạch với giá rẻ, đồng thời, khuyến khích họ sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
20 lít nước tinh khiết giá… 2.000 đồng
Hơn 4 tháng nay, người dân xóm Tư Mại (xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) hồ hởi đi mua nước sạch tại trạm cấp nước của xóm với giá 2.000 đồng/ bình 20l. Mức giá này chỉ bằng 1/6 so với trước đây (12.000 đồng/ bình 20l), mà chất lượng nước vẫn rất đảm bảo, đã được chứng nhận kiểm nghiệm theo quy định của Bộ Y tế. Lợi ích kinh tế rất rõ ràng từ khi các hệ thống cung cấp nước được lắp tại tại xã Tư Mại. Hệ thống cấp nước uống tinh khiết trực tiếp tích hợp năng lượng mặt trời (NLMT) – một sáng kiến mới về giải pháp nước sạch kết hợp với năng lượng xanh cho các cộng đồng nông thôn Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) lựa chọn xã Tư Mại để triển khai hệ thống lọc nước này. Theo chị Nguyễn Thị Hà, cán bộ dự án của GreenID: Người dân ở xã Tư Mại chủ yếu sử dụng nước giếng khoan và nước mặt để sinh hoạt. Năm 2014, Trung tâm đã xét nghiệm mẫu nước tại một số điểm công cộng và hộ dân trong xã. Kết quả cho thấy, nhiều mẫu bị nhiễm kim loại nặng như: mangan, sắt, đục, có mùi tanh... không đạt tiêu chuẩn nước dùng cho ăn uống và có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Cả xã chỉ có 1 hệ thống cung cấp nước sạch với công suất nhỏ 150l/h, không đủ cung cấp nước uống sạch cho khoảng 8000 người dân trong toàn xã. Lâu nay, người dân vẫn phải mua nước đóng bình ngoài thị trường để sử dụng với giá 10.000 – 12.000VND/bình 20l.
Sau khi làm việc cụ thể với chính quyền địa phương, cuối năm 2015, với sự hỗ trợ tài chính từ ngân hàng HSBC (Việt Nam) GreenID đã tiến hành lắp đăt 3 hệ thống nước uống sạch sử dụng năng lượng mặt trời với tại các xóm Đông Khánh, Hưng Thịnh và Tư Mại của xã. Hệ thống bao gồm một dàn pin năng lượng mặt trời nối với hệ thống điện lưới và hệ thống lọc nước RO, sẽ chuyển hóa năng lượng từ ánh nắng mặt trời thành điện năng để chạy các máy lọc nước. Do tận dụng nguồn điện tái tạo được, mỗi trạm cấp nước chỉ tốn 70-100.000đ/tháng cho 20 ngày vận hành, mỗi ngày 3 tiếng, thấp hơn nhiều so với mức chi phí 240.000 đồng/tháng khi vận hành trạm cấp nước thông thường. Tổng công suất là 2.500 lít/h, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch ổn định và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông Phạm Đức Luân – Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tư Mại cho biết: “Hệ thống cung cấp nước sạch bắt đầu vận hành từ tháng 4. Đến nay, khoảng 60% người dân trong xã, tương đương 5.000 người dân đã được tiếp cận nguồn nước sạch với giá rẻ này. Ủy ban nhân dân xã cũng đã mua nước tại các điểm cấp nước này để sử dụng, đồng thời, khuyến khích các trường học trên địa bàn xã sử dụng thay thế nước mua ngoài thị trường, vừa giảm chi phí đóng tiền nước cho các em học sinh mà lại vừa bảo vệ sức khỏe”.
Sau thời gian vận hành thử, GreenID đã chính thức bàn giao hệ thống lại cho cộng đồng địa phương tự quản lý. Chi phí thu được từ việc bán nước được sử dụng để chi trả cho người vận hành, thay thế, sửa chữa và bảo trì hệ thống. Phần dư ra sẽ được sử dụng cho các quỹ phúc lợi của xã như quỹ khuyến học, làm đường…trong xã.
Nhân rộng công nghệ thân thiện với môi trường
Hệ thống cấp nước uống tinh khiết trực tiếp tích hợp NLMT tại xã Tư Mại là mô hình sử dụng công nghệ xanh mà GreenID triển khai, nhằm hỗ trợ người dân vùng nông thôn tiếp cận nguồn nước sạch với chi phí hợp lý và sử dụng nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
Bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc GreenID bày tỏ: “Chúng tôi tin tưởng rằng, với cơ chế quản lý, vận hành minh bạch, rõ ràng, và những lợi ích thiết thực, công trình cấp nước sạch sử dụng năng lượng Xanh tại xã Tư Mại sẽ đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo nguồn nước uống sạch để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thành công của mô hình này sẽ được lan tỏa sang các khu vực lân cận và sẽ trở thành một thực tiễn tốt được đưa vào chính sách và khuyến khích áp dụng rộng rãi ở các cộng đồng nông thôn Việt Nam”.
Trước đó, từ năm 2012, Trung tâm đã phối hợp với các nhà tài trợ nhân rộng và chuyển giao quản lý nhiều mô hình tương tự ở một số địa phương khu vực phía Bắc, bao gồm: xã nam Cường và xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; xã Hải Chính và xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; và giờ là xã Tư Mại, huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang.
Các mô hình trên đều đã chứng minh được hiệu quả trong thực tiễn và đặc biệt phù hợp với các vùng nông thôn thiếu thốn nguồn nước đảm bảo vệ sinh, vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Lợi ích lớn nhất là cung cấp nước uống sạch cho cộng đồng với chi phí phù hợp, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm chi phí tiêu thụ điện tại địa phương. Đối với công tác ứng phó BĐKH tại Việt Nam, đây là 1 mô hình rất thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và đặc biệt hữu dụng, có thể cung cấp nước và một phần nhỏ điện năng khi xảy ra thiên tai, mất điện lưới.
Chi phí đầu tư của hệ thống khoảng 200 - 300 triệu đồng tùy thuộc quy mô và công suất hệ thống, hoàn toàn có thể là lựa chọn phù hợp để giải quyết nhu cầu uống nước sạch cho người dân nhiều vùng nông thôn của Việt Nam.
Khánh Ly/TNMT
Bài viết được đăng trên báo in Tài nguyên Môi trường