Các đại biểu tham dự hội thảo “Ô nhiễm không khí: mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng” đều nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật ...
Các đại biểu tham dự hội thảo “Ô nhiễm không khí: mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng” đều nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật không khí sạch để giảm thiểu các vấn đề ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe con người; điều chỉnh các tiêu chuẩn về chất lượng không khí tương đồng với các tiêu chuẩn quốc tế; tăng mật độ hệ thống quan trắc; và cung cấp thông tin cập nhật về chỉ số ô nhiễm cho người dân để họ có thể chủ động phòng ngừa tác hại của ô nhiễm không khí.
Các nội dung trên cũng là những kiến nghị mà các đại biều mong muốn đề đạt lên cơ quan Quốc hội nhằm giảm thiều các tác động xấu của vấn đề ô nhiễm không khí đối với môi trường và sức khỏe con người. Hội thảo đã thu hút đông đủ các đại diện đến từ các bộ ngành như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, các tổ chức phát triển quốc tế, các đại sứ quán, cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ và các báo đài trung ương.
Đây là sự kiện do Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp cùng Liên minh phòng chống các bệnh không lây ô nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tổ chức ngày 17/1 vừa qua, tại Hà Nội.
Toàn cảnh hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã có cơ hội lắng nghe một số báo cáo nghiên cứu liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam và những tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người.
Báo cáo nghiên cứu chất lượng không khí tại Việt Nam do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh thực hiện năm 2016 vừa qua cho thấy ô nhiễm không khí đang trong tình trạng báo động và đặc biệt nghiêm trọng ở những nơi có mật độ dân số cao như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Theo chị Nguyễn Thị Anh Thư, thành viên của nhóm nghiên cứu Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), lượng bụi PM2.5 trung bình năm đo được tại thành phố Hồ Chí Minh là 28,23 µg/m3, cao hơn so với ngưỡng quy chuẩn trung bình năm theo quy định của Việt Nam là 25 µg/m3. Trong khi đó tại Hà Nội, con số này lên tới 50,5µg/m3, cao gấp đôi soi với quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của tổ chức Y tế thế giới –WHO (10µg/m3).
Ô nhiễm bụi PM2.5 là loại bụi nguy hiểm nhất, có thể thẩm thấu, hấp thụ vào máu. Phơi nhiễm lâu dài với bụi mịn PM2.5 có liên quan với tăng tỷ lệ viêm phế quản mãn tính, suy giảm chức năng phổi và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim. Những người có bệnh hô hấp và bệnh tim, trẻ em và người cao tuổi đặc biệt nhạy cảm với bụi PM2.5. Các bụi mịn PM2.5 được tạo ra bởi sự đốt cháy như động cơ cơ giới, nhà máy điện, đốt gỗ dân dụng, cháy rừng, đốt ruộng nương trong nông nghiệp và một số quy trình công nghiệp.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, bao gồm các ảnh hưởng cấp tính như ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, có thể dẫn đến tử vong. Biểu hiện nhẹ hơn là suy nhược, chóng mặt, say, co giật, bất tỉnh, ảnh ưởng đến tim phổi v.v. Ô nhiễm không khí còn gây ảnh hưởng mãn tính đến sức khỏe con người như viêm phổi, viêm phế quản mãn tĩnh, hen suyễn, tim mạch, viêm da và căng thẳng thần kinh.
Báo cáo cũng xác định các nguồn gây ô nhiễm không khí tại Việt Nam, bao gồm các nhà máy nhiệt điện than, khí thải từ các phương tiện giao thông, phát thải từ công nghiệp, hoạt động xây dựng, đốt chất thải, đun nấu trong các hộ gia đình và ô nhiễm xuyên biên giới.
Các phát hiện trong báo cáo nghiên cứu của GreenID cũng có một vài điểm trùng lặp với kết quả Báo cáo do nhóm nghiên cứu trường Đại học Havard của Mỹ vừa công bố ngày 13 tháng 1 vừa qua. Báo cáo này cho thấy các cụm nhà máy nhiệt điện than nằm trong bán kính cách Hà Nội khoảng 50km đến150km đã và đang là điểm phát thải nóng tại Việt Nam. Các nhà máy nhiệt điện than là một trong những tác nhân làm gia tăng bụi PM2.5 và ozone.
Báo cáo cũng đánh giá những tác động của các nhà máy nhiệt điện than lên chất lượng không khí và sức khỏe con người. Cụ thể như số ca tử vong sớm hiện tại và ước tính trong tương lai của Việt Nam gia tăng mạnh, xếp thứ hai trong danh sách các nước châu Á, chỉ sau In-do-ne-sia. Theo ước tính số ca tử vong sớm ở Việt Nam tại thởi điểm năm 2011 là 4300. Tuy nhiên, con số này được dự đoán sẽ tăng lên 15.700 ca vào năm 2030, kể cả khi công suất điện than đã được điều chỉnh giảm theo Quy hoạch điện VII sửa đổi. Tuy vậy, báo cáo cho biết việc điều chỉnh Quy hoạch điện VII sẽ giúp Việt Nam giảm khỏang 3500 ca tử vong sớm vào năm 2030.
“98% dân số Việt nam đang phải phơi nhiễm với ô nhiễm hạt bụi mịn 2.5. Chúng ta cần có giải pháp cho tình trạng này,” bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh kiến nghị.
Trên tinh thần này, bà Khanh đã nhất trí với các kiến nghị của các đại biểu cũng như đề ra các hảnh động cụ thể cần được thực hiện ngay như việc cần xem xét lại kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới theo hướng hỗ trợ phát triển cơ cấu nguồn điện sạch hơn; tăng cường thực thi các quy định hiện hành về quy chuẩn đốt chất thải rắn và hoạt động xây dựng; đẩy mạnh hoạt động cải thiện chất lương không khí tại mỗi gia đình thông qua thay đổi hành vi đun nấu bằng những giải pháp thay thế như bếp đun cải tiến v.v. Cắt giảm nguồn phát thải, thúc đẩy ứng dụng năng lượng tái tạo cũng là những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm tác động xấu của ô nhiễm không khí, bà Khanh nhấn mạnh.
Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp và đặt nền móng cho việc hướng tới xây dựng văn bản có tính pháp lý nhằm giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe và giảm số ca tử vong liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam.
Hồng Thúy - Cán bộ dự án GreenID