Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Hội thảo giới thiệu lập kế hoạch và triển khai dự án tại Tịnh Biên, An Giang

  |   Viết bởi : Nguyễn Trung Tín - Cán bộ dự án GreenID

8:30 AM

 

Trong hai ngày 25, 26 tháng 08 năm 2016, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp) tỉnh An Giang và UBND huyện Tịnh Biên đã tổ chức hội thảo: “GIỚI THIỆU VÀ LẬP KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI DỰ ÁN TẠI HUYỆN TỊNH BIÊN, TỈNH AN GIANG” tại hội trường UBND huyện Tịnh Biên.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án: “Tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo chưa nối lưới ở các tỉnh đồng bằng sông Mekong của Việt Nam thông qua ứng dụng các giải pháp năng lượng xanh và bền vững” với sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức Bánh mì cho thế giới (BFTW) do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp cùng các đối tác địa phương thực hiện tại địa bàn huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, giai đoạn 2016-2018.

Mục tiêu chính của hội thảo nhằm giới thiệu và chia sẻ nội dung và cách thức tiếp cận dự án với các đối tác địa phương, lập và thống nhất kế hoạch triển khai dự án tại địa bàn 03 xã huyện Tịnh Biên trong 3 năm tới. Đồng thời, Hội thảo cũng nhằm giới thiệu và ra mắt ban Quản lý Dự án tại địa phương và thành lập nhóm Năng lượng Xanh (GET) tại 03 xã dự án.

Tất cả đại biểu tham dự hội thảo/ Ảnh: Trung Tín. GreenID


Tham dự hội thảo gồm có đại diện các Sở ban ngành có liên quan trong tỉnh, các thành viên trong Ban Quản lý dự án địa phương ở cả 3 cấp, Đại học An Giang, Lãnh đạo và Cán bộ Ủy ban nhân dân huyện Tịnh Biên, một số phòng ban liên quan của huyện Tịnh Biên (Phòng NN, Phòng TNMT, Phòng Kinh tế Hạ Tầng, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân...), đại diện lãnh đạo và người dân 7 xã chưa nối lưới trên địa bàn huyện Tịnh Biên gồm xã An Hảo, Tân Lợi, Vĩnh Trung, An Phú, An Nông, Nhơn Hưng, An Cư, GreenID, Đại diện nhóm Năng lượng địa phương LET xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, doanh nghiệp cung cấp mô hình và một số cơ quan Báo, Đài của địa phương.

Mở đầu buổi hội thảo, Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID giới thiệu các nội dung chính của dự án gồm mục tiêu, hoạt động chính, các kết quả dự kiến và các đối tác tham gia tại địa phương. Theo đó mục tiêu chính của dự án nhằm hỗ trợ người dân nghèo chưa nối lưới tại huyện Tịnh Biên được tiếp cận các giải pháp năng lượng với chi phí phù hợp, góp phần phát triển kinh tế và phát triển bền vững. Dự án sẽ thực hiện theo hướng tiếp cận từ dưới lên và do cộng đồng làm chủ. Đây là cách thức tiếp cận mới mang tên Lập kế hoạch năng lượng địa phương (LEP). Các hoạt động dự án được xây dựng nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc xây dựng và thực thi kế hoạch, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tại chỗ và góp phần cụ thể hóa các chương trình của địa phương như Điện khí hóa nông thôn, Xây dựng Nông thôn mới, tăng trưởng Xanh…Dự án sẽ hỗ trợ thành lập nhóm Năng lượng xanh tại 03 xã và đào tạo, nâng cao năng lực cũng như tổ chức các hoạt động hội thảo, truyền thông để cùng với người dân và chính quyền xây dựng các kế hoạch năng lượng.

Tiếp đó, anh Lê Ngọc Sơn – Cán bộ Điều phối chương trình GreenID đã có những chia sẻ cụ thể các bước thực hiện dự án, lợi ích của việc sử dụng các giải pháp năng lượng bền vững và báo cáo kết quả khảo sát tại 7 xã chưa nối lưới tại huyện Tịnh Biên được thực hiện từ 25-28/03/2016. Kết quả khảo sát đã cho thấy nhu cầu của người dân trên địa bàn về sử dụng Điện, nguồn Nước và năng lượng là rất lớn. Trước mắt các hoạt động dự án sẽ ưu tiên hỗ trợ triển khai tại 3 xã có điều kiện khó khăn nhất trên địa bàn và tiếp tục mở rộng ra các khu vực lân cận ở giai đoạn sau.

Nhằm giúp cộng đồng tại Tịnh Biên hiểu rõ hơn về hoạt động Lập kế hoạch năng lượng địa phương cũng như lợi ích nhiều mặt của các giải pháp năng lượng bền vững, đại diện nhóm LET đến từ Tỉnh Cà Mau cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm rất hữu ích liên quan đến quá trình tham gia nhóm năng lượng địa phương, xây dựng kế hoạch năng lượng và vận động người dân ứng dụng các giải pháp năng lượng bền vững cũng như lợi ích mà các giải pháp này mang lại. Đó không chỉ là những lợi ích về kinh tế mà còn giúp cải thiện môi trường, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong xã. Đến nay, trên địa bàn toàn xã đã có nhiều mô hình, giải pháp được triển khai lắp đặt và được cồng động hưởng ứng như: Mô hình Biogas, mô hình điện từ Năng lượng Mặt trời, bếp củi cải tiến, thùng ủ rác hữu cơ, đèn LED…

Họp nhóm về sơ đồ của xã. Ảnh: Trung Tín. GreenID


Trong hai ngày hội thảo, các đại biểu đại diện 7 xã trên địa bàn cũng đã có những phần thảo luận rất sôi nổi để xác định nhu cầu và mong muốn của người dân trên địa bàn về sử dụng năng lượng, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai các hoạt động dự án cũng như kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng phù hợp với điều kiện đặc thù của từng khu vực. Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã có dịp thăm quan, triển lãm một số thiết bị, mô hình tiết kiệm năng lượng để từ đó hiểu rõ hơn các tính năng và công dụng, lợi ích của chúng.

Kết thúc hội thảo, hầu hết các đại biểu đến từ các xã trên địa bàn đều bày tỏ mong muốn được tham gia vào dự án cũng như bày tỏ sự tin tưởng vào sự thành công của dự án. Với những kết quả như vậy, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, dự án sẽ có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói chung và tăng cường khả năng tiếp cận các giải pháp năng lượng bền vững cho người dân trên địa bàn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nguyễn Trung Tín - Cán bộ dự án GreenID