Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Hội thảo tham vấn ý kiến luật điện lực sửa đổi năm 2012

  |   Viết bởi :

  Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức với sự phối hợp tài trợ của Viện Rosa Luxemburg (Đức), Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên Nhiên (WWF) ...

 

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức với sự phối hợp tài trợ của Viện Rosa Luxemburg (Đức), Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên Nhiên (WWF) và ActionAid Việt Nam. Hội thảo nhằm mục đích trưng cầu ý kiến của khối xã hội dân sự về Luật Điện lực sửa đổi 2012 và thông qua nội dung sẽ được trình bày với đại biểu Quốc Hội tại hội nghị bàn tròn ngày 28/05. Tham dự hội thảo có nhóm các chuyên gia độc lập đầu ngành trong lĩnh vực Điện, Năng lượng điện, Năng lượng tái tạo, thủy điện đại diện các nhà tài trợ, các cơ quan, tổ chức, Hiệp hội đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cùng với cơ quan báo chí, truyền thông đến tham dự và đưa tin…

banner2-870x376 (1)

Để đẩy mạnh sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vào quá trình xây dựng và sửa đổi Luật nói chung là Luật Điện lực nói riêng, ngày 24/05 tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Tham vấn ý kiến Luật Điện lực sửa đổi năm 2012” do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức với sự phối hợp tài trợ của Viện Rosa Luxemburg (Đức), Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên Nhiên (WWF) và ActionAid Việt Nam. Hội thảo nhằm mục đích trưng cầu ý kiến của khối xã hội dân sự về Luật Điện lực sửa đổi 2012 và thông qua nội dung sẽ được trình bày với đại biểu Quốc Hội tại hội nghị bàn tròn ngày 28/05. Tham dự hội thảo có nhóm các chuyên gia độc lập đầu ngành trong lĩnh vực Điện, Năng lượng điện, Năng lượng tái tạo, thủy điện đại diện các nhà tài trợ, các cơ quan, tổ chức, Hiệp hội đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cùng với cơ quan báo chí, truyền thông đến tham dự và đưa tin…
Sau 7 năm thực thi bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Luật Điện lực hiện hành cũng bộc lộ không ít những bất cập, vướng mắc và không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Cụ thể như: cơ chế chính sách về giá, đầu tư phát triển chưa thực sự khuyến khích được mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động điện lực. Đặc biệt, những quy định về giá chưa phù hợp với cơ cấu ngành điện hiện tại. Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo chưa rõ ràng, cụ thể về cơ chế, chế độ, chính sách khuyến khích đầu tư và bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu…
Xuất phát từ những đánh giá này, hội thảo đã tập trung lấy ý kiến của các tổ chức xã hội dân sự và chuyên gia xoay quanh 5 vấn đề liên quan. Cụ thể đề xuất sửa đổi dự thảo Luật Điện lực như sau:
Đối với chính sách phát triển điện lực: Cần có một chương riêng về năng lượng tái tạo, nhằm khuyến khích sự phát triển của nguồn năng lượng trong đó có năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Đối với thị trường điện cạnh tranh: Cần điều chỉnh cơ cấu đối tượng tham gia thành 4 nhóm là sản xuất, truyền tải, phân phối và khách hàng. Với mô hình vận hành thị trường điều chỉnh theo 4 thành phần là điều độ, khách hàng, điều tiết và thị trường. Vai trò quản lý nhà nước cân tách riêng. Chu trình lập quy hoạch điện quốc gia là 10 năm, tầm nhìn 10 năm dựa trên cơ sở quy hoạch nguồn năng lượng sơ cấp, có thẩm định, không cần quy hoạch quận, huyện, ngoại trừ thành phố lớn trực thuộc TW. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Duệ: “ Lộ trình hình thành thị trường điện hiện quá dài, cứng nhắc, không có sự đan xen lẫn nhau. Trong giai đoạn hiện nay, giá điện cần có sự quản lý của nhà nước còn mức độ tùy theo cấp độ canh tranh của thị trường điện”.
Đối với an toàn, an ninh, môi trường điện lực: Do tính chất đặc thù của ngành nên cần có các chế tài đối với vấn đề an ninh năng lượng và xây dựng những quy chế về sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm cả người dân, đối với công trình lớn có ảnh hướng lớn (thủy điện cỡ lớn, điện hạt nhân...) tới an toàn, an ninh và môi trường trong luật mới.
Đối với vấn đề giá điện: Nên được xây dựng trên 3 yếu tố: chi phí phát điện (được hình thành dựa trên cơ chế cạnh tranh), chi phí đầu tư hệ thống truyền tải, phân phối, và chi phí vận hành hệ thống. Giá được điều chỉnh trên cơ sở báo cáo kiểm toán, cần phải tính đến các yếu tố làm giảm giá điện (ví dụ yếu tố theo mùa trong thủy điện), phân biệt phí và chi phí trong cơ cấu xây dựng giá, chào giá được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh, cơ cấu giá bán lẻ điện cần căn cứ theo chi phí đáp ứng
Vai trò quản lý của Nhà nước trong hoạt động Điện lực cũng phải được minh bạch, cùng với đó phải tách bạch các chức năng, nhiệm vụ của: Cục Điều tiết, Cục An toàn, Tổng Cục Năng lượng để tránh sự chồng chéo.
Ngoài những ý kiến đóng góp trên, Hội thảo bình luận và nhất trí về góp ý sửa đổi bổ sung một số điều Luật Điện lực của nhóm chuyên gia GreenID. Các đại biểu cũng đã có những ý kiến đóng góp tích cực cho bản báo cáo của nhóm chuyên gia độc lập và thống nhất nội dung sẽ trình bày với đại biểu Quốc Hội trong hội nghị bàn tròn sắp tới.
Tiến sỹ Thái Thị Minh- Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh kết luận hội thảo đã đạt được mục tiêu đề ra với sự tham gia và đóng góp ý kiến có hiệu quả của Đại biểu. Ý kiến của nhóm chuyên gia độc lập đầu ngành cùng với ý kiến của đại diện các tổ chức xã hội dân sự sẽ được tổng hợp và trình bày với đại biểu Quốc Hội trong thảo luận bàn tròn sẽ tổ chức vào ngày 28/05/2012 do GreenID phối hợp với Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường- Quốc Hội tổ chức với sự tài trợ của ActionAid Việt Nam.