Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Người dân xã Nguyễn Phích hiểu được vai trò quan trọng của việc sử dụng năng lượng hiệu quả

  |   Viết bởi : Lê Ngọc Sơn/GreenID

8:30 AM

 

Dự án: “Thúc đẩy các giải pháp năng lượng bền vững cấp cộng đồng tại tỉnh Cà Mau để góp phần quản trị tốt nguồn tài nguyên nước khu vực Mê Công” với sự hỗ trợ tài chính từ Oxfam Australia do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp thực hiện cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Cà Mau tại địa bàn xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã đem lại những hiệu quả đáng kể cho người dân nơi đây.

Trong 3 ngày 10, 11 và 12 tháng 12 năm 2015, GreenID và Hội LHPN tỉnh Cà Mau đã tổ chức hội thảo: “Xây dựng kế hoạch và chia sẻ kết quả triển khai kế hoạch năng lượng bền vững xã Nguyễn Phích” tại hội trường UBND xã. Mục tiêu chính của hội thảo nhằm chia sẻ kết quả thực hiện kế hoạch năng lượng đã được xây dựng tại 5 ấp xã Nguyễn Phích trong thời gian từ tháng 1/2014 đến 6/2015 và thảo luận về kế hoạch triển khai mở rộng chương trình dự án trên địa bàn toàn xã trong vòng hai năm tới (7/2015 – 6/2017).

Tham dự hội thảo gồm có đại diện người dân của 20 ấp, các thành viên nhóm năng lượng địa phương (LET) xã Nguyễn Phích, đại diện lãnh đạo xã và một số ban ngành đoàn thể trong xã như Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh Niên, cán bộ Hội LHPN tỉnh Cà Mau, Hội LHPN huyện U Minh và một số cơ quan Báo, Đài của địa phương.



Tại hội thảo, đại diện GreenID và Hội LHPN Cà Mau đã tóm tắt quá trình thực hiện các hoạt động dự án giai đoạn 1 cũng như một số kết quả đạt được đến thời điểm hiện tại.

Đại diện 5 ấp đã có những chia sẻ thú vị về sự thay đổi kể từ khi được lựa chọn tham gia vào triển khai dự án lập kế hoạch năng lượng địa phương - LEP.Qua chia sẻ, có thể thấy rằng một trong những kết quả quan trọng nhất đạt được ở 5 ấp là việc nhận thức của người dân đã được tăng lên đáng kể, từ việc còn bỡ ngỡ về cụm từ “năng lượng”, đến nay hầu hết các hộ dân ở 5 ấp đã ý thức được việc sử dụng nguồn năng lượng tiết kiệm, hiệu quả có vai trò quan trọng như thế nào đến cuộc sống hàng ngày của họ. Bằng việc tổng hợp một số mô hình đã được triển khai ở 5 ấp thông qua các lược đồ, đại diện của 5 ấp đã giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về những tác động mà dự án mang lại. Bên cạnh đó, những thách thức, khó khăn trong quá trình thực hiện cũng được các ấp chia sẻ và thảo luận rất sôi nổi. Đây chính là cơ sở, tiền đề cho việc xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả các hoạt động dự án ở các ấp còn lại trong thời gian tới.

Cũng trong khuôn khổ chương trình hội thảo, đại diện của 15 ấp còn lại cũng đã có cơ hội thăm quan trực tiếp một số mô hình đã được lắp đặt ở 5 ấp như: Biogas composite hạt nhựa, biogas túi nilon, bếp đun củi cải tiến, đèn LED tiết kiệm điện, thùng ủ rác hữu cơ…Sau khi thăm quan, đại diện của tất cả các nhóm đã cùng nhau chia sẻ những lợi ích của các mô hình và cần làm gì để nhân rộng các mô hình này tại địa phương. Đa số các đại biểu đều cho rằng, những mô hình này hoàn toàn thiết thực và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và đặc thù của địa phương, đóng góp vào việc thúc đẩy nền kinh tế các hộ, cải thiện môi trường, tạo thêm cơ hội việc làm và góp phần thực hiện chương trình Nông thôn mới của xã.


Vấn đề của từng ấp liên quan đến hệ thống điện, năng lượng, môi trường, nguồn nước…cũng được các đại biểu chia sẻ sôi nổi tại hội thảo. Theo đó, mặc dù đã có hệ thống lưới điện quốc gia đến tất cả các ấp nhưng vẫn còn một tỷ lệ rất cao số hộ chưa có điện hoặc sử dụng điện kéo từ các hộ lân cận (Điện chia hơi) không đảm bảo độ an toàn, ổn định và chi phí tiền điện rất cao (20.000đ/KWh). Bên cạnh đó, việc chất thải chăn nuôi không được xử lý và xử lý rác thải không đúng cách đã gây ra các vấn đề về môi trường, gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt của các hộ dân nơi đây. Tỷ lệ hộ nghèo ở các ấp theo tiêu chuẩn mới của chính phủ cũng là tương đối cao (Trung bình từ 15 % đến xấp xỉ 40 %). Từ những kết quả trên, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận đưa ra kế hoạch thực hiện kế hoạch năng lượng cho các ấp còn lại đảm bảo phát huy tốt các nguồn lực sẵn có của địa phương cũng như triển khai có hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra ban đầu dự án.

Lê Ngọc Sơn/GreenID