Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Ô nhiễm không khí khiến 600000 trẻ em tử vong mỗi năm

  |   Viết bởi : Tác giả: Markus Semrau - GreenID

8:30 AM

 

Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEP) đã ban hành một cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng do ô nhiễm không khí. Ở Châu Á, có khoảng 1.22 tỉ trẻ em hít phải lượng lớn các chất độc hại đáng báo động.

Theo báo cáo của UNICEF ban hành vào tháng 10/2016, hàng ngày có khoảng 300 triệu trẻ em phải tiếp xúc với không khí cực kì độc hại. Một phần bảy trẻ em trên thế giới sống trong khu vực không khí bị ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn quốc tế ít nhất 6 lần. Điều này làm tăng nguy cơ về các bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sự phát triển trí não của trẻ. Bản báo cáo cũng nêu ra tác động nghiêm trọng của ô nhiễm không khí. Hàng năm, có khoảng 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh có liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà. Xấp xỉ khoảng 2 tỉ trẻ em phải sống trong vùng không khí bị ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO).
 
Đặc biệt đối với trẻ em, ảnh hưởng của ô nhiễm không khí là vô cùng nguy hiểm. So với người lớn, trẻ em hô hấp nhanh gấp 2 lần và hít vào nhiều không khí hơn so với một đơn vị trọng lượng cơ thể. Theo quan điểm của Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake “Các chất ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ mà còn có thể vượt qua hàng rào bảo vệ máu-não và gây tổn thương vĩnh viễn cho sự phát triển của não và tương lai của trẻ. Không một xã hội nào có thể làm ngơ trước ô nhiễm không khí”. Để phản ánh mức độ của vấn đề ô nhiễm không khí trên toàn cầu, bản báo cáo về ô nhiễm không khí đã sử dụng hình ảnh vệ tịnh, đây là phép phân tích đầu tiên về ô nhiêm không khí. Ô nhiễm không khí ngoài trời là vấn đề phổ biến tại các khu vực có thu nhập thấp, vùng đô thị tại Đông Nam Á và Châu Phi. Ô nhiễm không khí ngoài trời được bắt nguồn từ khí thải từ các phương tiện giao thông, việc lạm dụng các nhiên liệu hóa thạch, bụi trong không khí và việc đốt các chất thải.
 
Bản báo cáo cho biết, có khoảng 1.22 tỉ trẻ em hít phải không khí độc do ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép của quốc tế, trong đó có 1 tỉ trẻ em sống tạo các khu vực bị ô nhiễm không khí vượt quá giới hạn cho phép 2 lần và có 300 triệu trẻ em gánh chịu mức độ ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép 6 lần. Liên quan đến vấn đề này, điều quan trọng là chúng ta phải xem xét không chỉ ô nhiễm không khí ngoài ngoài trời mà còn cả ô nhiễm không khí trong nhà. Người ta dự báo chất lượng không khí ngoài trời của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do sự gia tăng của các phương tiên giao thông cá nhân, các hoạt động xây dựng, sự phát triển kinh tế trong khi việc thi hành các biện pháp kiểm soát chất lượng không khí và tiêu chuẩn môi trường lại rất kém. Các nhà máy điện than trong tương lai sẽ là một trong những tác nhân chính gây ra ô nhiễm không khí do mật độ dày đặc của nhà máy điện phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như được đề cập trong Quy Hoạch Điện 7 Sửa đổi (Bộ Công Thương, 2016). Trong khí đó, ô nhiễm không khí trong nhà cũng là một vấn đề lớn, chủ yếu tại các khu vực có thu nhập thấp, nơi người dân sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than và gỗ để nấu ăn và sưởi ấm.
 
Trong 6 tháng đầu năm ở Hà Nội, số ngày có nồng độ bụi PM với đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 µm vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam (50 μg/m3)  là 72 ngày, vượt quá tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về nồng độ PM 2.5 WHO AQG là 158 ngày. Nếu tính theo giờ, số giờ có nồng độ PM 2.5 vượt quá tiêu chuẩn là 1.658 giờ theo tiêu chuẩn của Việt Nam và 3.665 giờ theo tiêu chuẩn WHO AQG. Để biết thêm thông tin về Chất lượng Không Khí tại thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, vui lòng xem bản báo cáo về Chất lượng Không khí của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID.

Tác giả: Markus Semrau - GreenID
Người dịch: Nguyễn Anh Thư - GreenID