Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh cẩn được ưu tiên khi VN tham gia Hiệp định TPP

  |   Viết bởi : Nguyễn Hồng Thúy - GreenID.

  Sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh phải được đảm bảo khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương là thông điệp mà ...

 

Sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh phải được đảm bảo khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương là thông điệp mà Nhóm các tổ chức xã hội muốn gửi đến các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc tại Hội thảo khoa học “Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ góc nhìn sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh”, diễn ra chiều ngày 19/7 tại Nhà khách Quốc hội, ngay trước thềm cuộc họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14.
.


Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)

 


Mục tiêu của hội thảo là cung cấp cách nhìn khoa học và khách quan về những thuận lợi và bất lợi của Hiệp định TPP đối với sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh. Trong đó, tác động của TPP đối với nguy cơ sức khỏe từ các ngành công nghiệp như nhiệt điện than, amiăng, thuốc lá và rượu bia được các đại biểu tập trung thảo luận.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho rằng Việt Nam sẽ không thể khai thác  lợi thế của Hiệp định TPP nếu như các chính sách về bảo vệ môi trường và phát triển nhiệt điện than hiện nay không được xem xét một cách nghiêm túc. Hệ thống tiêu chuẩn môi trường của chúng ta thấp hơn so với chuẩn quốc tế và việc thực thi thiếu nghiêm minh là một vấn đề dễ nhìn thấy.

Bà Khanh cho rằng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khi được xuất khẩu sang thị trường của các nước tham gia Hiệp định TPP dù được miễn thuế nhưng sẽ gặp phải hàng rào phi quan thuế như tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, hàm lượng Xanh, tiêu chí phát thải cacbon thấp. Người tiêu dùng và thị trường các nước phát triển và khối TPP có xu hướng ngày càng chú trọng tới tiêu chí Xanh và ít phát thải trong đó năng lượng sạch là một tiêu chí không thể bỏ qua khi lựa chọn hàng hóa của họ. Bên cạnh việc phải chịu tác động tiêu cực từ phát thải của nhiệt điện than, các mặt hàng của Việt Nam sẽ phải chịu thua thiệt khi chen chân vào các thị trường này thậm chí không bán được hoặc bị trả về nếu viễn cảnh nhiệt điện than không thay đổi.

Góp thêm vào bức tranh ảm đạm trên là tình trạng ô nhiễm gây ra bởi nhiệt điện than. Các khảo sát do GreenID thực hiện tại các khu vực có nhà máy nhiệt điện than cho thấy, có ít nhất 70% người dân sống trong các khu vực vực đó phàn nàn về những rủi ro sức khỏe mà họ đang gặp phải từ khi các nhà máy nhiệt điện than được xây dựng và triển khai. Tuy vậy, tình trạng này có vẻ như sẽ không được cải thiện, vì theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, điện than sẽ đóng vai trò chủ đạo trong ngành năng lượng Việt Nam có. “Nếu tính theo số lượng nhà máy thì gần như mỗi tỉnh sẽ có một nhà máy nhiệt điện than được xây dựng,” bà Khanh cho biết.

Chia sẻ với những băn khoăn của bà Khanh, ông Đỗ Văn Hạ, giám đốc tổ chức Năng lượng sạch (Clean Energy) đưa ra câu hỏi với các đại biểu hội nghị “Liệu điện than có rẻ không khi nó cần phải được cộng thêm nhiều chi phí cho y tế, sức khỏe cộng đồng, chi phí gây ô nhiễm môi trường khí, nước, đất, chi phí gây ra từ việc ô nhiễm khiến phá hủy nền nông nghiệp, ngư nghiệp…”

“Nếu cứ phát triển nhiệt điện than, Việt Nam cũng ô nhiễm không khí như Bắc Kinh,” “TPP phải đồng nghĩa với việc phát triển sạch và bền vững,” ông Hạ nhấn mạnh. Tập trung vào việc phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng rào cản phi thuế quan để ngăn cản các công nghệ lỗi thời và kém chất lượng vào Việt Nam là những đề xuất cho vấn đề năng lượng mà ông Hạ đã đưa ra tại hội thảo.

Nhắc đến phát triển nhiệt điện than, Ông Quyền Anh Ngọc, Phó Trưởng phòng WTO thuộc Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, đưa ra giả sử rằng các nhà đầu tư của nhóm 12 thành viên mong muốn phát triển ồ ạt nhiệt điện than thì chính phủ Việt Nam cũng có quyền từ chối khi cho rằng loại hình phát điện này không có lợi cho đất nước.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng được biết, hàng năm, ở Việt Nam gần 200.000 người mắc bệnh ung thu mới phát hiện, là hậu quả liên quan trực tiếp từ tác động của ô nghiễm công nghiệp, tác hại của amiăng và tiêu thụ rượu bia, thuốc lá.

Theo TS. Trần Tuấn, Trưởng ban thường trực hành động, TPP bản chất là một Hiệp định tự do thương mại với mục tiêu loại bỏ dần các rào cản thuế quan giữa các quốc gia ký kết. Khi các hàng rào thuế quan giữa các nước bị loại bỏ, song song với sự gia tăng dòng chảy vốn TPP giữa các nước, kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp xuyên biên giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nhóm 12 thành viên. Tuy nhiên, Hiệp định TPP cũng sẽ tạo ra thách thức rất lớn cho sức khỏe cộng đồng (SKCĐ) và an toàn môi sinh (ATMS) cho các nước có nền kinh tế thấp và thiếu chính sách bảo vệ tác động xấu từ bên ngoài của môi trường tự do thương mại khu vực và toàn cầu.
Hội nghị khoa học “Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ góc nhìn sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh” được xem như tiếng chuông cảnh tỉnh công chúng về ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh trong bối cảnh hội nhập ngày càng chủ động, tích cực và sâu rộng của của đất nước.
Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh, trước khi phê chuẩn Hiệp định TPP, các đại biểu kiến nghị biến đổi khí hậu là vấn đề không kém phần quan trọng cần phải đưa vào Hiệp định TPP để ngăn ngừa và giảm thiểu những tác động tiêu cực về sự thay đổi của hệ thống khí hậu lên đời sống của người dân và môi trường sống. Các khuyến nghị khác cũng đươc nêu ra trong buổi hội thảo như cần thiết phải có sự giám sát của cộng đồng và các nhà khoa học đối với quy trình sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm hoạt động quản lý việc đào thải chất thải rắn có hại cho môi trường từ các doanh nghiệp này, để tránh sự lặp lại của vụ đầu tư và xả thải công nghiệp Formaso Hà Tĩnh.
Hội thảo được tổ chức bởi Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Vận động Chính sách dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD), Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), Mạng lưới Vận động Cấm sử dụng Amiăng Việt Nam (Vn-BAN) và Hội Y tế Công cộng Việt Nam.

Link download các bài trình bày tại hội thảo: https://drive.google.com/folderview?id=0BxVS_1USJUCqWE1ick0zS0hsQlk&usp=sharing
 
 
Nguyễn Hồng Thúy - GreenID.