Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Tập huấn Năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả tại Đà Nẵng

  |   Viết bởi : Võ Xuân Quyên

8:30 AM

Khóa tập huấn về năng lượng tái tạo và sử dụng năng tiết kiệm, hiệu quả cho hơn 35 học viên là cán bộ quản lý, các đoàn thể địa phương, hoạt động môi trường các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên vừa được tổ chức tại Đà Nẵng từ 24/01/2018 – 26/01/2018.

Đây là khóa tập huấn chuyên sâu về năng lượng bền vững và các giải pháp thúc đẩy ứng dụng quy mô cộng đồng về năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp Liên minh châu Âu tổ chức.

Toàn cảnh khóa tập huấn

Cũng tại khóa tập huấn ông Antoine Vander Elst, đại diện Liên minh châu Âu đã chia sẻ về sự thúc đẩy Năng lượng bền vững tại Việt Nam do Liên Minh châu Âu thực hiện cũng như các công nghệ, kỹ thuật, nguồn tài trợ nhằm giúp học viên có cơ hội tiếp cận, lựa chọn để vận dụng, áp dụng thực tế.

Ông Antoine Vander Elst, đại diện Liên minh châu Âu chia sẻ về sự thúc đẩy Năng lượng bền vững tại Việt Nam do Liên Minh châu Âu thực hiện.

Trong 3 ngày từ 24-26/1, các học viên được chuyên gia Florian Kliche đến từ Viện nghiên cứu độc lập các vấn đề môi trường (Đức) truyền đạt các kiến thức, kỹ năng, chiến lược về năng lượng bền vững và tiết kiệm năng lượng.

Nội dung khóa tập huấn mở đầu bằng các biểu hiện của biến đổi khí hậu, các tác động ở mức độ toàn cầu và tại Việt Nam. Đối chiếu với các khu vực dễ bị tổn thương như đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, học viên dễ dàng nhìn thấy những biểu hiện của các hiện tượng thời tiết cực đoan và thất thường trong năm qua. Các cơn bão và lũ ngày càng xuất hiện nhiều hơn và ở cấp độ nguy hiểm hơn ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. “Đảo Cồn Cỏ trong mấy năm trở lại đây có càng nhiều các cơn bão lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của” – chia sẻ của một học viên đến từ xã đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. Ông Florian Kliche chỉ ra mối liên quan giữa biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, an ninh năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết cần có những giải pháp chung tay để giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, trong đó đề cao các nỗ lực cần thiết khẳng định những cam kết cắt giảm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phát thải khí nhà kính, đặc biệt trong mảng năng lượng. Đây được cho là một nguồn phát thải đáng kể tại quốc gia Đông Nam Á này.

Giảng viên cũng đề cập rất sâu về tổng quan về hiện trạng phát triển năng lượng ở Việt Nam, các nguồn năng lượng tái tạo đang được quan tâm đầu tư trong nước và các yếu tố đang hạn chế sự phát triển của năng lượng tái tạo ở Việt Nam và hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Florian Kliche – trưởng phòng Chuyển dịch năng lượng và Sử dụng  năng lượng tiết kiệm & hiệu quả tại Viện nghiên cứu độc lập các vấn đề môi trường Đức (UfU) – giảng viên chính của khóa Tập huấn

Sau khi phân tích nhu cầu và cơ hội thay thế nguồn năng lượng hóa thạch bằng nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các quy mô hộ gia đình có nguồn thu nhập khác nhau, các học viên được tham gia trải nghiệm thực tế về các cách vận hành của các nguồn năng lượng khác nhau bằng các mô hình mô phỏng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, thủy điện, sử dụng các thiết bị đo đếm hiệu quả năng lượng.

Các học viên tìm hiểu về nguồn năng lượng sinh khối

Các giải pháp bếp đun cải tiến ít khói, đèn sử dụng năng lượng mặt trời

Một cán bộ Sở Công thương tỉnh Quảng Bình tham gia khóa tập huấn cho biết xu thế khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, sinh khối hay năng lượng mặt trời là tất yếu của Việt Nam và thế giới. Mặc dù các cơ quan quản lý đã ban hành các cơ chế khuyến khích nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều bất cập, bên cạnh đó nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng đến vấn đề này chưa nhiều nên đã gây khó khăn cho việc áp dụng, triển khai. Với các kiến thức kỹ năng có được từ khóa tập huấn sẽ hữu ích cho công tác quản lý cũng như cá nhân trong chuyên môn, đời sống.  Trên cơ sở các kiến thức có được học viên thực hành xây dựng ý tưởng, kế hoạch khả thi về năng lượng tái tạo từ thực tế tại các địa phương.

Học viên xây dựng ý tưởng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương

 

Kết thúc khóa tập huấn, sáu ý tưởng đã được xây dựng:

  1. Sản xuất viên nén năng lượng từ phế phẩm từ làng nghề rác tại xã Thái Yên, huyện Đức Thọ
  2. Tận dụng năng lượng mặt trời để sản xuất nước sạch trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
  3. Thúc đẩy sử dụng nước sạch cho người dân tộc thiểu số vùng khó khăn
  4. Xây dựng hệ thống điện mặt trời độc lập cho 20 hộ dân xã đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
  5. Tổ hợp chế biến hải sản xanh

Học viên trình bày ý tưởng trước toàn thể thành viên khóa tập huấn

Tác giả bài viết: Võ Xuân Quyên - Cán bộ truyền thông GreenID