Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Thí điểm phát triển năng lượng tại địa phương

  |   Viết bởi : Minh Phúc

  Được thực hiện từ tháng 5/2012 đến tháng 9/2013, một dự án phát triển năng lượng tại chỗ được thí điểm ở tỉnh Thái Bình chia sẻ kinh nghiệm về ...

 

Được thực hiện từ tháng 5/2012 đến tháng 9/2013, một dự án phát triển năng lượng tại chỗ được thí điểm ở tỉnh Thái Bình chia sẻ kinh nghiệm về thực tiễn thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam.

Thay mặt nhóm năng lượng địa phương, ông Hoàng Ngọc Sang, Chủ tịch UBND xã Nam Cường, cho biết dự án “Xây dựng liên minh năng lượng vì sự phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam và vùng Mekong” nhằm khuyến khích dân hai xã Bắc Hải và Nam Cường (huyện Tiền Hải) mở rộng sử dụng mô hình biogas và năng lượng mặt trời, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sử dụng năng lượng.

TS Trần Duy Khanh, Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật tỉnh Thái Bình, cho biết hơn 200 hộ đã được hưởng lợi, được cấp bình nước nóng năng lượng mặt trời; đèn bão năng lượng mặt trời, bếp đun cải tiến, và hệ thống cấp nước sạch tinh khiết RO sử dụng năng lượng mặt trời cho toàn xã Nam Cường và 1000 học sinh, giáo viên, UBND, trạm ý tế xã.

Kế hoạch và chính sách năng lượng của dự án là khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng địa phương, đặc biệt là tận dụng rác thải nông nghiệp và công nghiệp để tăng cường an ninh năng lượng của huyện, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Chia sẻ tại hội thảo về phát triển năng lượng bền vững hôm nay ở tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Tiến Long, chuyên gia năng lượng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Tài nguyên Nước&Thích nghi với Biến đổi Khí hậu, cho biếtngoài hai xã ở huyện Tiền Hải, hiện nay dự án cũng đang được triển khai thêm ở hai xã của tỉnh Nam Định và Thừa Thiên Huế.

“Chúng tôi cho rằng đây là hướng của tương lai, phục vụ kinh tế địa phương thông qua việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch”, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), điều phối viên Liên minh Năng lượng (EA), nói.

Bà Khanh cho biết EA ra mắt hoạt động từ 2012 cùng nhau thực hiện chương trình thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam và lưu vực sông Mekong; hướng tới phát triển bền vững thông qua quản trị tài nguyên thiên nhiên tại địa phương.

Chương trình hành động năm năm (2012 - 2016) của Liên minh Năng lượng nhằm đóng góp vào sự phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam và khu vực Mekong thông qua thúc đẩy chính sách năng lượng bền vững, quy hoạch năng lượng địa phương, thực tiễn tốt về nhu cầu và sử dụng năng lượng bền vững.

Liên minh Năng lượng được thành lập vào năm 2012 với năm tổ chức sáng lập bao gồm Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID); Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước&Thích nghi Biến đổi Khí hậu (CEWAREC), Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thụy Điển (SSNC), Tổ chức Năng lượng Bền vững Đan Mạch (SE) và Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam. Từ năm 2013, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (live&learn Vietnam) là thành viên mới của liên minh năng lượng.

Hội thảo “Chia sẻ mô hình kết quả lập kế hoạch năng lượng địa phương tại Thái Bình và hoạt động của liên minh năng lượng” nằm trong khuôn khổ dự án: “Xây dựng liên minh năng lượng vì sự phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam và vùng Mekong” do cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển – Đại sứ quán Thụy Điển tài trợ từ tháng 5/2012 đến tháng 9/2013.

Dự án do Liên minh Hợp tác về Phát triển Năng lượng Bền vững ở Việt Nam và vùng Mekong gồm Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Trung tâm Tài nguyên nước&Biến đổi Khí hậu (CEWAREC), Tổ chức Năng lượng Nền vững (SE) Đan Mạch và Hội Bảo tồn Thiên nhiên Thụy Điển (SSNC) phối hợp tổ chức.

Minh Phúc

Trích dẫn tại: http://vfej.vn/vn/4077n/thi-diem-phat-trien-nang-luong-tai-dia-phuong.html