Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2018

  |   Viết bởi :

Mở đường cho Năng lượng tái tạo tới từng gia đình Việt Thời gian: từ 21 đến 26 tháng 8 năm 2018 Địa điểm: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Cần Thơ

Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Nhóm Công tác về Biến đổi khí hậu (CCWG) cùng rất nhiều đối tác có niềm tin vững chắc rằng năng lượng tái tạo mang lại lợi ích nhiều mặt cho Việt Nam và hiện đã khả thi về kinh tế, tài chính và kỹ thuật. Năng lượng tái tạo đã giúp đẩy mạnh kinh tế của các vùng nông thôn và khu vực kém phát triển ở nhiều quốc gia từ Đức cho tới Ấn Độ, Trung Quốc và Băng-la-đét. Chúng tôi tin chắc rằng năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn ở Việt Nam bởi lẽ nó sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân và hiện đại hóa phương pháp sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh lợi ích kinh tế cho vùng nông thôn, năng lượng tái tạo còn là nguồn năng lượng nội địa có thể giúp Việt Nam chủ động hơn về nguồn cung năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào sự biến động của giá dầu, than và khí gas trên thị trường quốc tế. Năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm chi tiêu cho nhập khẩu về dài hạn và tăng thêm lợi thế cho nền kinh tế cũng như giảm phát thải cho Việt Nam.

VSEA khởi xướng chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo lần thứ nhất tại Việt Nam vào năm 2016 và Chương trình đã trở thành diễn đàn thường niên cho các bên liên quan cùng thảo luận về mối quan tâm, ý tưởng và đề xuất giải pháp đóng góp cho lộ trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo lần thứ hai diễn ra vào tháng 8 năm 2017, với sự tham gia của hơn 1000 đại biểu, 11.000 lượt tiếp cận và 8000 người theo dõi trên kênh truyền thông mạng xã hội và website. Hơn 50 cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về chương trình đã thu hút sự quan tâm lớn của đông đảo công chúng. Nội dung thảo luận chính trong hai mùa sự kiện tập trung vào giới thiệu tiềm năng của Năng lượng sạch, Đính chính những hiểu lầm về Năng lượng tái tạo và Thúc đẩy Suy nghĩ Xanh, Tài chính Bền vững, Điện khí hóa Nông thôn, Giải pháp năng lượng cho khu vực chưa có điện lưới và Chuyển dịch Năng lượng Xanh ở Việt Nam. Những khuyến nghị chính được đưa ra từ hai diễn đàn này bao gồm: Các nhà lãnh đạo Chính Phủ Việt Nam nên chú trọng nhiều hơn vào đẩy mạnh sử dụng năng lượng hiệu quả cũng như khẩn trương xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách phù hợp khuyến khích phát triển Năng lượng tái tạo ở cả quy mô công nghiệp và hộ gia đình. Gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo là con đường đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mặt khác giúp giảm phát thải khí nhà kính và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Từ góc độ chính sách, Cơ chế hỗ trợ giá cho điện mặt trời cho các dự án điện quy mô lớn (FiT) đi kèm với cơ chế bù trừ điện năng cho hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được Thủ tướng chính phủ ban hành tháng 4 năm 2017 sau một thời gian dài chờ đợi. Cơ chế này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6 năm 2017 cho tới ngày 30 tháng 6 năm 2019. Ngày 12 tháng 9 năm 2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư hướng dẫn về Phát triển các dự án điện mặt trời và Hợp đồng Mua bán điện mẫu để cụ thể hóa việc thực hiện cơ chế FiT.  Hưởng ứng chính sách trên, hàng loạt dự án điện mặt trời đã đăng ký và vài ngàn MW điện mặt trời đã được bổ sung vào quy hoạch điện trong đó có một số dự án đã khởi công xây dựng. Chúng tôi nhận thấy rằng, chính sách mới ban hành đã tạo một bước quan trọng cho việc ứng dụng rộng rãi của công nghệ đơn giản này trên khắp các vùng miền Việt Nam. Tuy rằng vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại trong quá trình thực thi nhưng chúng tôi tin tưởng rằng những thách thức này hoàn toàn có thể quản lý và vượt qua được.

Vì thế, Chương trình tuần lễ năng lượng tái tạo lần thứ 3 năm 2018 thông qua một loạt sự kiện diễn ra liên tục trong vòng một tuần bao gồm hội thảo, tọa đàm, thăm quan thực địa, triển lãm và các sự kiện song song bên lề sẽ tập trung vào thảo luận về việc làm thế nào để tháo gỡ các rào cản và tạo ra bước nhảy vọt để năng lượng tái tạo khả thi và mang lại lợi ích cho Việt Nam. Chương trình hướng tới khuyến khích mọi công dân Việt Nam trở thành một phần của quá trình chuyển dịch năng lượng và trở thành những người hưởng lợi trực tiếp của quá trình này. Cùng với các đối tác, chúng tôi mong muốn sẽ dành nhiều nỗ lực hơn cho việc đẩy mạnh ứng dụng điện mặt trời để tạo đột phá cho chuyển dịch năng lượng đảm bảo công bằng xã hội, tạo điều kiện cho người tiêu dùng trở thành những nhà sản xuất và tiêu dùng thông thái.

Chương trình sẽ thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước về năng lượng tái tạo, các cá nhân, đơn vị đang triển khai các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng để cùng thảo luận và tìm giải pháp vượt qua thách thức, thúc đẩy thành công và sáng tạo đổi mới ở Việt Nam. Chương trình cũng kỳ vọng tạo cơ hội thúc đẩy kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các đại biểu tham dự tới từ các cơ quan Nhà nước, đối tác phát triển, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và các tổ chức xã hội, khoa học và các thành viên của VSEA.

 

Mục tiêu chương trình

  • Tạo diễn đàn cho các bên liên quan đối thoại tìm ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
  • Tăng cường nhận thức của công chúng về tính khả thi và các lợi ích của Năng lượng tái tạo và kêu gọi hành động
  • Khởi động và huy động sự quan tâm của các bên liên quan vào thực hiện chương trình “Triệu ngôi nhà Xanh vì Việt Nam thịnh vượng”.

Kết quả mong đợi

  • Các cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan được thúc đẩy và xây dựng thông qua chương trình Tuần lễ NLTT 2018
  • Đông đảo công chúng ủng hộ và tham gia các hoạt động nhằm tháo gỡ những rào cản và thực hiện các chính sách của Chính phủ về Biến đổi khí hậu và Năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà.
  • Chương trình “Triệu ngôi nhà Xanh vì Việt Nam thịnh vượng” thu hút sự quan tâm và tham gia của các bên liên quan
  • Khuyến nghị chính sách được gửi đến các cơ quan quản lý Nhà nước và các bên liên quan, dựa trên các thảo luận trong Chương trình Tuần lễ NLTT.

Thành phần tham dự:

  • Các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý cấp quốc gia, cấp tỉnh
  • Lãnh đạo các Cộng đồng, đại diện của các cộng đồng ở khu vực chưa nối lưới điện, và khu vực có nhiều hộ nghèo
  • Các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu đến từ các Viện, trường
  • Các doanh nghiệp
  • Các tổ chức khoa học công nghệ và tổ chức xã hội, nghề nghiệp
  • Các đối tác phát triển
  • Các nhà báo, phóng viên
  • Các bạn thanh niên.

Tổng quan chung về chương trình

 

Tên hoạt động

Địa điểm

21/8/2018

8.30 – 9.15

 

 

 

 

9.15 – 12.00

 

13.30 – 17.30

 

Khai mạc Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2018

Hội thảo Phát triển Năng lượng tái tạo góp phần thực hiện Chương trình Điện khí hóa nông thôn và Tiếp cận năng lượng

Phiên 1: Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo nhằm đạt mục tiêu Điện khí hóa nông thôn và tiếp cận năng lượng cho người nghèo

Phiên 2: Lợi ích đa chiều của Năng lượng tái tạo

Khách sạn Hòa Bình, 27 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội

22/8/2018

8.30 – 12.15

Tọa đàm: Nhìn lại 1 năm thực hiện Quyết định 11 và Thông tư 16 về phát triển điện mặt trời ở Việt Nam

Khách sạn Hòa Bình, 27 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội

23/8/2018

8.30 – 12.15

Tọa đàm: Nhìn lại 1 năm thực hiện Quyết định 11 và Thông tư 16 về phát triển điện mặt trời ở Việt Nam

Khách sạn Đại Nam, 79 Trần Hưng Đạo, Q.1, TPHCM

24/8/2018

8.30 – 15.30

Tiềm năng phát triển điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp bền vững

Đại học Cần Thơ, TP.Cần Thơ

 

26/8/2018

7.00 – 12.00

Giải chạy và triển lãm “Chạm tới Năng lượng Xanh”

Ecopark, Hà Nội

 

Hoạt động hưởng ứng

Thời gian

Tên sự kiện

Địa điểm

9 – 10/7/2018

Ngày hội Cộng đồng Xanh

Hà Nội, GreenID

Tháng 7 – 8/2018

Làm phim về Điện mặt trời mái nhà

GreenID, Change

31/7 – 5/8/2018

Trại Thủ lĩnh Khí hậu

Phan Thiết, Change

20 – 21/8/2018

Hội thảo tổng kết về các giải pháp các-bon thấp cho cộng đồng tại xã Thủy Thanh, Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế, WWF

20/8/2018

Hội thảo về Phát triển năng lượng bền vững và Sức khỏe Cộng đồng

Hà Nội, RTCCD

10 -15/8/2018

Diễn đàn Thanh niên và Phát triển bền vững

Hội An, Live&Learn

Tháng 8/2018

Hội thảo tập huấn về Bếp đun cải tiến tại 4 phường ở Hà Nội

GreenHub

Tháng 8/2018

Ngày hội Năng lượng tại trường cấp 3 Mỹ Lộc, Nam Định

Nam Định, C&E

21 – 23/8/2018

Tập huấn về Truyền thông chủ đề Năng lượng và Khí hậu

Thái Bình, CCWG

Tháng 9/2019

Tập huấn về Phương pháp LEAP

Hà Nội, CleanED

8/8/2018

Hội thảo lập kế hoạch năng lượng địa phương tại xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, Cà Mau

Chia sẻ kết quả và tìm cơ hội lồng ghép lập kế hoạch năng lượng vào các chương trình của địa phương

Cà Mau, GreenID

Tháng 7-8/2018

Chiến dịch mùa hè Xanh và truyền thông về các giải pháp năng lượng bền vững cho các cộng đồng chưa có điện lưới

Chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình năng lượng bền vững cấp cộng đồng giữa An Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng

An Giang, GreenID

24/8/2018

Hội thảo khởi động lập kế hoạch năng lượng xã Giang Kang, huyện Krongbong, Đăk Lăk

Đăk Lăk, GreenID