Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Con đường phát triển điện không đánh đổi môi trường và sức khỏe của người dân Việt Nam

  |   Viết bởi :

Thông báo về hội thảo: “Phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường vì phát triển bền vững ở Việt Nam”

Con đường phát triển điện không đánh đổi môi trường và sức khỏe của người dân Việt Nam

 

Ngày 05/06/2018

Hôm nay, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) công bố “Bản Thiết kế cho Tương lai Năng lượng Sạch của Việt Nam” tại hội thảo “Phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường vì phát triển bền vững ở Việt Nam”. Bản Thiết kế được xây dựng theo hướng có lợi cho sức khỏe, hợp lý về chi phí và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đây là kết quả được rút ra từ nghiên cứu “Các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam” do chuyên gia GreenID thực hiện. Nghiên cứu đưa ra 5 kịch bản để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao của Việt Nam. Các kịch bản được xây dựng theo hướng tiếp cận tối ưu hóa chi phí, đồng thời xem xét chi phí ngoại biên từ tác động của ô nhiễm không khí và phát thải các bon.

Nghiên cứu nêu trên chỉ ra rằng sau năm 2020, Việt Nam có khả năng không cần xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới mà vẫn duy trì hệ thống năng lượng an toàn với giá cả hợp lý.

 

"Theo Bản Thiết kế đề xuất này, Việt Nam có thể có đủ điện dùng mà vẫn đảm bảo môi trường và sức khỏe cho người dân", bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), đại diện Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) nhận định.

 

"Với việc Chính phủ định hình kế hoạch phát triển năng lượng dự kiến vào năm 2019, đây là thời điểm quan trọng để lên kế hoạch cho một hệ thống năng lượng hiện đại cung cấp năng lượng an toàn, giá cả phải chăng, mà không gây hại cho sức khỏe của người dân."

 

Nghiên cứu cho thấy phương án an toàn nhất và chấp nhận được để đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai của Việt Nam đồng thời đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris là cắt 30 GW điện than, tương đương với đưa ra khỏi quy hoạch 25 nhà máy điện than và thay vào đó áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đồng thời tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo.

 

So với Quy hoạch điện VII điều chỉnh (QHĐ VII ĐC), Bản Thiết kế này đề xuất đến năm 2030 tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ khoảng 21% lên khoảng 30%; tăng tỷ trọng nhiệt điện khí từ khoảng 14,7% lên khoảng 22,8%; và giảm tỷ trọng của nhiệt điện than từ khoảng 42,6% xuống còn khoảng 24,4%.

 

Những lợi ích mà Bản Thiết kế này mang lại cho Việt Nam gồm:

i) Tăng cường an ninh năng lượng do giảm tỷ lệ nhập khẩu than;

ii) Tránh được việc phải xây dựng thêm khoảng 30.000 MW nhiệt điện than vào năm 2030, tương đương với khoảng 25 nhà máy điện than;

iii) Giảm áp lực huy động 60 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư cho những dự án nhiệt điện than này;

iv) Tránh được việc đốt khoảng 70 triệu tấn than/năm tương ứng với 7 tỷ đô la Mỹ/năm cho việc nhập khẩu than;

v) Giảm phát thải khoảng 116 triệu tấn CO2/năm so với QHĐ VII ĐC, đưa Việt Nam theo đúng với mục tiêu của Thỏa thuận Paris;

vi) Giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước. Ước tính kịch bản này sẽ giúp tránh được khoảng 7600 ca tử vong sớm hàng năm vào năm 2030 so với QHĐ VII ĐC.[1]  

 

“Chuyển dịch sang năng lượng xanh là rất quan trọng và cần thiết vì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hơn nữa, phát triển xanh là hướng đi thông minh cho Việt Nam, một quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Phát triển năng lượng tái tạo cũng là một hướng đi hợp lý để Việt Nam tránh phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi nỗ lực lớn và bước đi phù hợp của tất cả các bên liên quan để các công nghệ năng lượng tái tạo được đi vào thực tế phát triển và áp dụng”, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chia sẻ.

 

“Các quyết định đối với việc phát triển hệ thống năng lượng của Việt Nam trong năm tới sẽ có tác động và hệ lụy không chỉ hôm nay mà còn tới các thế hệ sau này", chia sẻ bởi bà Ngụy Thị Khanh, người Việt Nam đầu tiên đạt giải môi trường Goldman, Giám đốc GreenID.

 

“Chúng tôi tha thiết kiến nghị Chính phủ nắm bắt cơ hội khai thác nguồn tài nguyên năng lượng sạch dồi dào của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm, định hướng đầu tư và đảm bảo một tương lai an toàn và khỏe mạnh cho người dân Việt Nam.”

 

"Bản Thiết kế này đưa ra một hướng đi thiết thực để đạt được mục tiêu đó."

Tham khảo khuyến nghị chính sách tại: http://bit.ly/KNCS-BCN

Tham khảo báo cáo đầy đủ tại: http://bit.ly/Baocaodaydu

 

Thông tin liên hệ:

Nguyễn Trang Nguyên – Cán bộ truyền thông GreenID

Email: nttnguyen@greenidvietnam.org.vn

ĐT: 0168 9929348

 

[1] Ước tính dựa vào báo cáo “Burden of disease from rising coal-fired power plant emissions in Southeast Asia” do chuyên gia của đại học Harvard thực hiện.