8:30 AM
Từ báo động chất lượng nước ĐBSCL hiện tại…
Trao đổi tại tọa đàm, Th.S Nguyễn Hữu Thiện nhận định, vấn đề lớn nhất của an ninh nguồn nước ở ĐBSCL hiện nay nằm ở chất lượng nước mặt đã quá suy giảm, dẫn đến tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, gây sụt giảm mực nước và sụt lún đất nghiêm trọng.
Thực tế đã có hàng loạt các dự án ngăn mặn, ngọt hóa bất cập được triển khai khắp ĐBSCL, đã làm cho dòng nước không còn lưu thông như quy luật ngàn đời của nó. Nhiều công trình chưa sử dụng đã phải bỏ tiền ra đập bỏ vì không phát huy hiệu quả.
Ảnh: Lê Quỳnh
Như ở Cà Mau, chỉ riêng năm 2008, tỉnh này đã phải bỏ ra 2,8 tỉ đồng để phá dỡ 83 cống bê tông ngăn mặn, ém phèn không còn phát huy hiệu quả mà trở thành vật cản giao thông thủy. Con đập Quản Lộ - Phụng Hiệp nằm ngăn dòng sông sát thành phố Cà Mau, làm cho dòng sông Bảy Háp ngừng chảy, nước đen sì, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc… Kể lại chuyến đi “một vòng” ĐBSCL mới đây, ông Thiện cho hay: “sông ngòi đen thui cả một vùng, từ Cà Mau về Sóc Trăng dọc quốc lộ 1 thấy rõ nhất”.
Ông Thiện giải thích, ảnh hưởng triều là một yếu tố sống còn của ĐBSCL. Lực sông và lực biển tranh chấp tạo ra sự cân bằng động, gồm 3 vùng: ngọt mặn, và vùng nước lợ ở giữa. Trong đó, vùng nước lợ rất giàu thủy sản, quan trọng về sinh thái. Sự tương tác với thủy triều làm sạch sông ngòi, sinh thái ĐBSCL.
Vì vậy, đặc điểm nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, mùa nước nổi, mùa khô là cái nền tạo ra sinh thái, sinh kế, lối sống và văn hóa của ĐBSCL.
Bên cạnh đó, mọi nguồn nước thải hiện nay ở ĐBSCL đều đổ ra kênh rạch, sông ngòi. Thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm có từ 2 - 3 triệu tấn phân bón, 100.000 tấn nông dược đổ ra sông ngòi, môi trường…
Ngoài vấn đề chất lượng nước, theo ông Thiện, lượng nước ngọt có thể bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và thủy điện, kéo theo xâm nhập mặn.
…Đến những tác động kép khác
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu BĐKH Cần Thơ, cho rằng việc cân bằng được các vấn đề bảo vệ môi trường, an ninh lương thực và phát triển năng lượng là một thách thức lớn của ĐBSCL hiện nay. An ninh nguồn nước của ĐBSCL còn phải đối mặt với thách thức kép từ thủy điện nước ngoài và nhiệt điện than trong nước.
“Nước là nguồn cung cấp các dịch vụ sinh thái quan trọng và không thể thay thế trong nền kinh tế xanh. Việc làm xấu đi nguồn nước do công nghiệp hóa, đô thị hóa, hoặc sản xuất năng lượng thiếu thận trọng có thể tác động ngược lại đế việc cung cấp năng lượng và sản xuất nông nghiệp.” - Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD)
Là quốc gia ở hạ lưu sông Mekong, Việt Nam đặc biệt phải chịu tác động rất lớn từ các công trình thủy điện trên thượng nguồn. Các đập trên dòng chính Mekong đã làm giảm phù sa về ĐBSCL từ 140-160 triệu tấn/năm từ những năm 1990 xuống còn một nửa. Thiếu hụt phù sa từ Mekong là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở nghiêm trọng tại hầu hết các sông rạch, cửa sông, bờ biển khắp đồng bằng. Theo các chuyên gia, các đập này cũng sẽ gây ra sự biến đổi chắc chắn không thể phục hồi với hệ thủy sinh trên sông Mekong. Vấn đề lớn nhất là ngăn cản sự di cư của cá để sinh sản và tìm kiếm thức ăn.
Cũng vậy, theo Quy hoạch điều chỉnh 7 của Việt Nam, nhiệt điện than vẫn chiếm hơn 50% cơ cấu sản lượng điện vào năm 2030 (theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2017). Trong đó, sẽ có tới 14 nhà máy điện than được xây dựng tại vựa lúa và nông hải sản ĐBSCL.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, chính sách phát triển chủ yếu dựa vào nhiệt điện than hiện nay của Việt Nam tăng mối đe dọa với an ninh nguồn nước. Tất cả các giai đoạn khác nhau trong vòng đời của than từ khai thác, xử lý, vận chuyển, đốt than để sản xuất điện và phá dỡ nhà máy đều tiêu tốn rất nhiều nước, gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái dưới nước.
Tính toán của IEA và NESCAUM, nếu đầu tư công nghệ cao (như công nghệ tới hạn, siêu tới hạn,…), thì chi phí leo thang của một nhà máy nhiệt điện than 600MW lên tới 1,8 tỉ USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự thay đổi công nghệ này với nhiệt điện than cũng chỉ “cải tổ” được tối đa khoảng 20% phát thải, ô nhiễm. Một nhà máy nhiệt điện than công nghệ siêu tới hạn, công suất 550 MW thải ra 64.000 tấn SOx trong cả vòng đời (nhà máy đã được trang bị hệ thống kiểm soát SOx).
Tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than cũng là một mối nguy hại khác với nguồn nước. Hiện nay, hàng năm các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam thải 16 triệu tấn tro xỉ. Tới năm 2030, con số này là 38 triệu tấn. Theo Tổng cục Môi trường, nếu không có biện pháp xử lý, tổng lượng tro xỉ tích lũy lên tới 423 triệu tấn, ước tính khoảng 65 km2. Như vậy, trung bình mỗi năm Việt Nam cần 5 km2 diện tích đất chứa tro xỉ, tương đương với diện tích một xã Đồng bằng Bắc Bộ.
Các báo cáo nghiên cứu của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cũng cho thấy, xỉ than chứa nhiều kim loại nặng, chì, thủy ngân, asen. Đã có nhiều trường hợp bãi hoặc hồ thải xỉ không được chống thấm tốt, các chất độc hại bị ngấm xuống mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sinh kế và sinh khỏe người dân sống xung quanh.
Còn về vấn đề xử lý nhà máy nhiệt điện than khi đã hết thời gian sử dụng, hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý và quy chuẩn liên quan đến giai đoạn thải loại và phục hồi môi trường với các nhà máy loại này. Tại Mỹ, kết quả lấy kinh nghiệm từ 28 nhà máy nhiệt điện than đã hết thời gian sử dụng (sau 40 năm) cho thấy: chi phí dỡ bỏ một nhà máy khoảng từ 21.000 – 466.000 USD cho mỗi đơn vị MW công suất lắp đặt (trung bình 117.000 USD/MW). Chưa kể, tất cả các khâu xử lý (xem như chất thải rắn nguy hại) sẽ sử dụng rất nhiều nước để tẩy rửa…
ĐBSCL sẽ ra sao với nhiệt điện than?
Với 14 nhà máy nhiệt điện than trong tương lai ở ĐBSCL (chiếm 18.000 MW trong tổng 40.000 MW điện than mới cả nước), đến năm 2030, ĐBSCL sẽ trở thành vùng tập trung công suất nhiệt điện than lớn nhất nước; cũng sẽ là một trong các khu vực có mật độ nhiệt điện than cao so với cả nước.
Chỉ từ Cần Thơ đến Trà Vinh, khoảng 80 km đường sông sẽ trở thành đoạn sông tấp nập tàu vận tải chuyển tiếp than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện than đang được triển khai tại đây.
Đi vào hoạt động chưa lâu nhưng nhà máy nhiệt điện than Duyên Hải 1 đã có nhiều sai phạm, gây ô nhiễm nghiêm trọng tới sinh hoạt và nuôi trồng của người trong vùng. Đây là 1 trong 4 nhà máy của Trung tâm điện lực Duyên Hải, với tổng công suất 4.415 MW; được xây dựng cặp mé biển ấp Mù U, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, Trà Vinh. Ảnh: Đình Tuyển/Thanh Niên
Báo cáo của GreenID cho thấy, hầu hết nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL đều dùng nhiên liệu chính là than, ngoài số ít dùng dầu DO hoặc khí đốt. Nguyên liệu than cho các nhà máy này được cung cấp một phần từ các mỏ than Quảng Ninh, tương lai nhập từ Úc và Indonesia. Mỗi ngày có khoảng 170.000 tấn than được vận chuyển bằng đường thủy phục vụ hoạt động sản xuất điện than ở ĐBSCL. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến môi trường nước và hệ sinh thái dưới nước vùng đồng bằng.
Việc gia tăng khói bụi, khí thải cũng gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, các hệ sinh thái,.. đặc biệt trong trường hợp có độ ẩm cao, sương mù và mưa rơi tạo nên mưa acid. Đối với ĐBSCL, mùa gió chướng (gió thổi theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, ngược chiều với dòng chảy sông Cửu Long) là giai đoạn có nhiều nguy cơ ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện than nhất. Các nhà máy nhiệt điện than ven biển sẽ đe dọa sân chim, rừng ngập mặn, các ruộng muối và tiềm năng du lịch sinh thái.
Cũng theo báo cáo của GreenId, việc làm mát 14 nhà máy nhiệt điện than này (được đặt các nhà máy gần biển, sông) sẽ tiêu tốn khoảng 70 triệu m3 nước/ngày đêm. Có thể kể như, trung tâm nhiệt điện Duyên Hải dùng nước biển làm mát và thải ra biển mỗi ngày 16,7 triệu m3 nước nóng; trung tâm nhiệt điện Bạc Liêu thải ra biển 4,7 triệu m3. Trung tâm nhiệt điện Sông Hậu và Long Phú dùng nước sông Hậu và thải ra sông này 29 triệu m3 nước nóng; Trung tâm nhiệt điện Long An và Tân Phước dùng nước sông Soài Rạp, cuối công Vàm Cỏ và Đồng Nai, và thải ra Soài Rạp 20 triệu m3 nước nóng…
Trong khi đó, nghiên cứu của Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi với BĐKH (CEWAREC) mới đây với các nhà máy nhiệt điện than ở Hải Phòng và Quảng Ninh cho thấy: nước làm mát từ các nhà máy này khi thải ra môi trường luôn trên 400C.
“Lời giải” cho ĐBSCL
Tại tọa đàm, theo các chuyên gia, những tiến bộ như vũ bão gần đây của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu đã đưa năng lượng tái tạo trở thành giải pháp kỹ thuật khả thi và mở ra mô hình kinh doanh, phát triển kinh tế mới bền vững cho nhân loại.
Nhà máy điện gió Bạc Liệu. Ảnh: Nhân Dân
Bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc GreenID cho biết, tại Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 23) năm nay, các bên không còn thảo luận về tính khả thi về kỹ thuật của năng lượng tái tạo nữa, mà thảo luận về mô hình phát triển kinh tế loại năng lượng này.
Chi phí đầu tư cho điện mặt trời và điện gió cũng đang giảm rất nhanh, < 0,03 USD/kWh (điện mặt trời). Châu Âu gần chạm mục tiêu giá sản xuất điện gió ngoài khơi rẻ hơn nhiệt điện than vào năm 2025.
Quan điểm cho rằng cần phải có năng lượng hóa thạch và hạt nhân để cung cấp “phụ tải nền” khi không có ánh sáng mặt trời hoặc không có gió đã được thế giới chứng minh là một hiểu lầm.
“Những chuyển dịch của năng lượng tái tạo hiện nay rất đáng mừng, nhưng cũng cần rất nhiều nỗ lực của Việt Nam trong thời điểm hiện tại lẫn thời gian tới. Việc đa số nhà máy nhiệt điện than chưa được xây dựng tại ĐBSCL là một may mắn và cơ hội để ĐBSCL phát triển năng lượng tái tạo lẫn nguồn nước.
Chúng ta có thể làm trước ngay được bằng đầu tư điện mặt trời tại các quỹ đất công, mái nhà công sở từ tỉnh, huyện tới xã, khuyến khích tại mái nhà các cơ sở thủy hải sản… Đây là mô hình các bang của Đức đã làm rất tốt”, bà Khanh nói.